T2, 06/07/2020 11:22

Bến Tre: Cào sò lắm nỗi truân chuyên

Chưa có đánh giá về bài viết

Chỉ sau 10 năm, vùng đất ngập mặn ven biển Đông thuộc huyện Bình Đại đã đổi thay. Giờ đây, chị em phụ nữ có thể di chuyển dễ dàng để cào sò trên cái nơi mà trước đó gai chà là phong tỏa kín như nêm.

Vừa cào, vừa chạy theo con nước đằng Đông

Trời chưa sáng, gió rít từng cơn buốt giá. Xa xa, tiếng sóng từ biển Đông ầm ầm xô vào bờ liên hồi. 4 người chúng tôi đã lội xuống bãi sò khi nước còn ngang thắt lưng. Tôi chưa quen việc lặn hụp nên được  anh Nhị – một người chuyên cào sò thuê, ở ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức phân công cầm bao để đựng sò cào được. Tôi rón rén chứ chưa dám trầm mình. Anh Nhị bảo: “Nếu em cứ đứng vậy hứng gió thì bị lạnh rất nhanh”. Trong khi đó, vợ chồng và người con gái anh Nhị trầm mình, chỉ còn nhô cái đầu trên mặt nước. Tôi liền làm theo, ai ngờ dưới nước ấm hơn, cảm giác bớt lạnh hơn lúc đứng. Tuy vậy, tôi vẫn không đủ sức để kéo miệng cào trên nền của bãi sò do dưới lớp mùn non là “một lớp đá ong dày cộm”. Trong lưới cào có rất nhiều sò con, chi chít như níu vào nhau. Sò giống ở Bình Đại vụ này sinh sôi nảy nở nhiều. Người đi cào trúng lớn.

Bình minh hé dần, nước ở dòng sông rút lui dần về biển. Thế nhưng, nước càng rút, 3 người họ lại càng cào quyết liệt như chạy đua vì sợ nước cạn. “Nước cạn rồi cào nặng nhọc lắm em ơi! Vừa bùn vừa sò, lại thêm bị muỗi cắn… khốn khổ lắm! Nên tranh thủ lúc còn nước cào được bao nhiêu hay bấy nhiêu…” – chị Mùi, vợ anh Nhị lý giải.

Quả thật khi trơ cái lưng ướt sũng, áo sát da giữa trời hừng sáng, đôi bàn tay cật lực cào xới, trườn dưới sân sò nên chẳng mấy chốc lưng tôi ngứa ngáy rất khó chịu. Tay không rảnh để đập muỗi hay gãi ngứa, tôi có cảm giác thời gian buổi sáng hôm ấy trôi qua thật lâu. Thỉnh thoảng, tôi cố đưa tay ra sau lưng gãi cho đỡ ngứa để trụ lại, cảm nhận hết nỗi cơ cực của người cào sò. Vợ chồng và con gái anh Nhị kinh nghiệm hơn, chốc lát người này đưa lưng cho người kia gãi và tô ít bùn non lên để làm “áo giáp bùn” chống muỗi, bọ cánh cứng.

 

Giăng hàng ngang, chị em trườn cào sò huyết ở chỗ mà ngày trước chà là gai giăng kín.

Dù không hề muốn, nhưng mặt trời từ đằng Đông vẫn nhô lên giữa khu rừng phòng hộ. Bãi sò ven con rạch Hồ Bầu càng lộ rõ dáng vóc của những chị em mà lúc chưa sáng chỉ nghe tiếng gọi nhau í ới. Như các con rạch ở ven biển Bình Đại, rạch Hồ Bầu có những bãi sò giống, sò thịt liền nhau. Trên bãi sò thịt, công việc khá nặng nhọc nên đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Còn trên các bãi sò giống, công việc nhẹ nhàng, tỉ mỉ, tìm những con sò giống li ti trong lớp bùn rác nên nhiều phụ nữ đảm nhận phần việc này. Cào sò giống (khoảng 5 ngàn con/kg) phải chạy theo con nước ròng hoặc lớn chứ không tài nào cào được lúc bãi sò khô, nên hoàn toàn lệ thuộc vào thủy triều, bất kể ngày hay đêm.

Nước cạn, việc cào sò thịt khó khăn hơn nhưng những người làm thuê như gia đình anh Nhị phải ráng cho kịp thời gian đã giao kèo với chủ. Hơn nữa, cào sò thịt thuê là “lãnh khoán” chứ không phải cào theo giờ.

Cảm thông nỗi cơ cực của chị em

Nước đã rút khỏi bãi sò, những chùm gai chà là từ cửa biển trôi dạt vào nằm chênh vênh. Nhiều bãi sò gần lòng rạch, nước còn sền sệt, nhiều chị em dàn hàng ngang cào sò giống nằm ẩn trong bùn non. Thỉnh thoảng, các chị vướng phải chùm chà là gai nhọn hoắc. “Sợ nhất là cào ở các bãi sò mới, chỉ cần sơ sẩy dính chùm chà là gai không những chảy máu mà sau đó còn làm ké phải mổ. Có trường hợp bị gai chà là đâm quá sâu phải đi bác sĩ để lấy gai ra”- chị Tư Lành, vợ anh Thắng, ở ấp Thừa Tiên, xã Thừa Đức tâm sự.   

Theo nhiều người tham gia cào sò, họ sợ nhất là cào sò giống vào những con nước đêm. “Nhằm nhò gì mấy cái gai chà là mục đó chú ơi! Bởi cào sò thịt còn khỏe chán, gạn sò giống mới khổ. Có khi gạn sò giống xui rủi gặp phải cá đuối nẻ hoặc cá ngát đâm cho một phát thì bỏ cơm 3 ngày. Hơn nữa, các bãi sò mới ươm thường là đất mới nên chà là con sót lại rất nhiều…” – chị Loan, ở ấp Thới Lợi 1, xã Thới Thuận cho biết.

Việc cào sò nặng nhọc nên chẳng mấy chốc chị, em bị “hở sườn”, thế là tụm lại xung quanh các bụi lá dừa nước nghỉ ngơi và “tám” với nhau. Họ kể nhau nghe về những nỗi vất vả của gia đình, về con cái hay “khoe” với nhau về những “thành tích” trên người họ do những chùm chà lai, miểng vỏ hàu ẩn dưới bãi sò để lại.

Xế chiều, mệt lả, câu chuyện giữa các chị thưa dần rồi dứt hẳn. 4 người chúng tôi đã hoàn thành công việc cào sò ở bãi sò có diện tích gần một công đất. Sau khi bàn giao lại cho chủ, gia đình anh Nhị nhận được tiền công gần một triệu đồng.

Tôi bắt tay và nói lời từ giã những người cào sò. Từng bàn tay lao động cần cù của họ bóp chặt tay tôi, cảm giác như bàn tay mình bị các “gọng kìm” bóp lấy.

Bài, ảnh: Mã Phương

Báo Đồng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!