Bến Tre: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhằm góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, Bến Tre đã thực hiện thay đổi mô hình canh tác, thu hút nguồn đầu tư, viện trợ từ nước ngoài…


Áp dụng mô hình canh tác mới

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch các lĩnh vực, sản phẩm của ngành nông nghiệp. Nhiều mô hình nông nghiệp mới ở các địa phương của Bến Tre thu hiệu quả cao.

Từ năm 2008, xã An Nhơn (huyện Thạnh Phú) bắt đầu hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xuất giống lúa mùa địa phương sang sạ lúa (100 ngày) và nuôi tôm xen canh. Do tập quán từ xưa, người dân trong xã nuôi tôm thâm canh, không chú trọng đến cây lúa, năm nào may mắn tôm trúng thì mừng, thất thì đành chịu. Với mô hình canh tác mới, ngoài tăng năng suất và sản lượng, người nuôi sẽ giảm thời gian, nhân công làm ruộng. Được phổ biến kỹ thuật để áp dụng mô hình mới vụ tôm vụ lúa nên người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, nhất là ở ấp An Định và An Hòa. Đến nay, thu hoạch thủy sản đạt sản lượng 847,8 tấn. Diện tích gieo sạ lúa vụ mùa ước đạt khoảng 90%.

Điều quan trọng khi áp dụng mô hình mới là cải thiện được môi trường ao nuôi. Sau khi thu hoạch vụ tôm sú tiến hành trồng lúa và thả tôm càng xanh, lúa sẽ hút hết các chất thải của ao tôm và phát triển rất tốt; khi trở lại vụ tôm sú của năm sau sẽ đạt hiệu quả hơn. Hiện mỗi vụ thu hoạch lúa là 4 tấn/ha. Thời gian chăm sóc ruộng lúa ít, người dân có thể chăn nuôi thêm, tận dụng những khoảng đất trống để trồng cỏ, nuôi bò. Vì vậy, số lượng đàn bò của xã đã tăng lên gấp 2 lần so với 2 năm trước (hiện có 990 con).

 

Nuôi trồng thủy sản là một trong những thế mạnh của Bến Tre – Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong

Ngoài ra, năm 2013, Hội nông dân xã còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa sạch với công ty Lương thực Bến Tre và còn phối hợp với các Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ chăn nuôi. Kinh tế phát triển và thu nhập của bà con tăng lên rất nhiều. Những ngôi nhà lá, tạm bợ dần được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Năm 2008, thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng/người/năm đến năm 2013 tăng lên 18,6 triệu đồng và dự kiến sẽ tăng cao hơn vào cuối năm 2014. Số hộ nghèo của xã cũng giảm, hiện còn 182 hộ, chiếm tỷ lệ 12,86% và phấn đấu đến cuối năm giảm còn 10%.

Mô hình “Vùng nuôi tôm biển an toàn dịch bệnh” tại xã An Đức (huyện Ba Tri) với 149 hộ tham gia nuôi diện tích 76,8 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường, đang tiếp tục được hỗ trợ để nhân rộng. Đến nay, tỉnh có 5 cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng cao để cung ứng cho các vùng nuôi của doanh nghiệp, hộ nuôi. Ngoài ra, có 12 khu nuôi cá tra thâm canh của 9 công ty, doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm đã được chứng nhận GlobalGAP; 4 khu nuôi đạt chứng nhận ASC; 2 khu nuôi đạt chứng nhận VietGAP và 1 khu nuôi đạt chứng nhận AquaGAP, đã góp phần phát triển ổn định nghề nuôi cá tra trên địa bàn. Nghề khai thác thủy sản phát triển hiệu quả hơn. Tập trung tổ chức sản xuất theo mô hình tổ, đội khai thác trên biển để giảm thiểu chi phí đầu vào và hạn chế tổn thất sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả khai thác. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 120 tổ, đội khai thác thủy sản trên biển gồm 964 tàu với 7.148 thuyền viên tham gia.

 

Thu hút đầu tư nước ngoài

Bến Tre cũng có nhiều hoạt động nhằm thu hút sự đầu tư, nguồn lực từ nước ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế đặc biệt là ngành nông nghiệp của địa phương.

Để thu hút các nguồn vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), Bến Tre đã ban hành Chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2013 – 2017 trên địa bàn tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên đôn đốc và hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố chủ động vận động viện trợ theo. Nhiều dự án viện trợ PCPNN hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn đã được triển khai thực hiện tại Bến Tre: dự án Cải thiện mô hình đa canh rừng ngập mặn với sự tham gia của cộng đồng; Xây dựng và phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; Cải thiện sinh kế của hộ nghèo bằng cách áp dụng kỹ thuật nông nghiệp bền vững và xây dựng thí điểm hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường nước và dịch bệnh trong vùng nuôi tôm xen rừng dựa vào cộng đồng. Các chương trình, dự án viện trợ PCPNN này đem lại lợi ích thiết thực cho người nghèo, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, năm 2014 đã khởi động thực hiện dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại Bến Tre (IFAD tài trợ) trong lĩnh vực nông nghiệp, giảm nghèo và phát triển nông thôn với số vốn vay và viện trợ không hoàn lại 17 triệu USD; giao kế hoạch vốn của Đan Mạch cho Chương trình biến đổi khí hậu năm 2014 khoảng 28 tỷ đồng, chủ yếu cho những hoạt động, công trình thuộc nông nghiệp, nông thôn.

Đỗ Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!