Nhiều bà con nuôi tôm trong vùng ngọt hoá cho biết, do giếng khoan đã bị trám lấp nên họ định dùng muối để tạo độ mặn rồi thả nuôi tôm biển… Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều bà con ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thử làm cách này trước khi biết khoan giếng lấy nước mặn, nhưng không mang lại hiệu quả.
Vừa thu hoạch xong ao tôm 4.000 m2, anh Hứa Thanh Hoàng ở xã Phú Long, huyện Bình Đại lỗ gần 34 triệu đồng. Đây là vụ lỗ nhẹ nhất trong 4 năm nuôi tôm thẻ chân trắng vừa qua. Bây giờ, anh Hoàng cũng không biết làm gì với hơn 4 công vườn dừa mà nay chỉ còn lại cái hồ nước xanh đen. “Dù cho không bị cấm, tôi cũng không muốn nuôi nữa. Qua các vụ nuôi thua lỗ, nợ nần chồng chất khiến cho gia cảnh ngày càng kiệt quệ. Để có tiền trả cho xong món nợ, tôi định dùng muối tạo độ mặn nuôi thêm một vụ tôm nữa xem sao” – anh Hoàng tâm sự. Cũng như nhiều người khác, anh Hoàng mong tìm được giống tôm thẻ chân trắng thích hợp độ mặn nhỏ hơn để nuôi, không cần khoan giếng nước mặn hay dùng muối. Ông Lê Văn La – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại quả quyết: “Sẽ không thể có loại tôm thẻ chân trắng nào có đặc tính như vậy, kể cả trong tương lai, vì không có một nghiên cứu nào tìm ra loại giống tôm biển để nuôi trong vùng nước ngọt”.
Việc bơm nước mưa vào ao cầm chừng để “trấn” phèn tạm thời chờ có cách khác nuôi tôm là điều mà rất nhiều người dân nuôi tôm biển vùng ngọt đang làm.
Hơn 4 năm trước, một số nông dân có ao nhỏ ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri trước khi biết đến việc khoan giếng lấy nước mặn đã từng dùng muối để gây độ mặn nuôi tôm thẻ chân trắng. “Việc này rất tốn kém. Do sợ muối thô có tạp chất nên tôi đã sử dụng muối I-ốt cho chắc ăn và độ mặn cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc mua cũng rất khó, năm đó 4 ngàn đồng/kg mà gom cả tháng trời ở các đại lý nhỏ, sau đó đặt hàng thêm ở đại lý lớn, tốn gần 400 triệu đồng, mới gây được độ mặn trên diện tích 1.000 m2 để thả tôm. Thế nhưng độ mặn sẽ giảm về o%o chỉ trong 30 ngày đầu. Tuy tôm lớn có thể sống được với môi trường này nhưng cũng èo uột lắm! Ông Sáu Thống ở lân cận cũng làm vậy và cũng không hiệu quả gì”- cô S. ở ấp Giồng Lân, An Hiệp, huyện Ba Tri chia sẻ.
Kỹ sư Huỳnh Văn Cung – Quyền Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản – khuyến cáo: “Việc dùng muối gây độ mặn nuôi tôm thì không cấm. Nhưng nếu làm vậy sẽ rất tốn kém, qua đó sẽ đẩy giá thành lên rất cao và gần như sẽ không có lãi. Tuy nhiên, việc này còn phải xem xét lại bởi nếu bệnh ở tôm xảy ra, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Trong khi môi trường ao nuôi của bà con trong vùng ngọt hóa hiện phần lớn đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nuôi bằng cách nào cũng phải chịu rủi ro rất lớn”.
Thực tế tại vùng ngọt hóa, bà con đang rất tích cực chuyển đổi mô hình cho phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng ngọt. Nhưng số người có đủ điều kiện để chuyển đổi và thành công là quá ít so với hàng ngàn hộ dân lỡ đào ao trong vườn dừa nuôi tôm đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Họ không được nuôi tôm thẻ chân trắng, bây giờ chủ yếu là bỏ ao. “Giống tôm càng xanh toàn đực hiện rất hiếm”. Còn kêu kô-be để xẻ rãnh trồng cỏ nuôi bò thì tiền thuê còn trả không nổi thì lấy đâu ra tiền mua bò… Chúng tôi không oán trách ai, chỉ mong có chính sách hỗ trợ để chúng tôi làm lại từ đầu” – một nông dân quê xã Thới Lai, huyện Bình Đại đang phải đi làm phụ hồ ở TP. Bến Tre chia sẻ sau khi phá vườn dừa nuôi tôm thẻ chân trắng thất bại.