(TSVN) – Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030. Trong đó, với sản phẩm tôm, Bến Tre đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Cụ thể, Nghị quyết xác định 6 nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: Dừa, cây ăn quả, cây giống và hoa cảnh, lợn, bò, tôm. Với sản phẩm tôm, Bến Tre đặt mục tiêu hoàn thành 4.000 ha nuôi tôm công nghệ cao và giá trị xuất khẩu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Để cụ thể hóa Nghị quyết Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, với tổng kinh phí dự kiến đầu tư hơn 10.705 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng, số còn lại là vốn dân, vốn doanh nghiệp 9.500 tỷ đồng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thuộc 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, nuôi tôm công nghệ cao phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện ven biển.
Ảnh minh họa
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, tính đến cuối tháng 4/2022, đã phát triển tăng thêm 215/500 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Ba Tri (10 ha tại xã Bảo Thạnh), huyện Bình Đại (105 ha tại xã Thới Thuận, Thạnh Phước, Bình Thắng), huyện Thạnh Phú 110 ha. Lũy kế đến nay, đã thả giống đạt 2.000 ha, đạt 80% kế hoạch năm 2022, sản lượng nuôi tôm công nghệ cao đạt 18.000 tấn.
Hiện, Bến Tre đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025 (huyện Bình Đại 2.000 ha, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Thạnh Phú 1.500 ha).
Nuôi tôm công nghệ cao đang là xu hướng phát triển do hiệu quả mang lại rất lớn so với nuôi truyền thống. Nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư để thu lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn để đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đang ở mức khá cao. Nếu nuôi cách truyền thống thì chỉ cần thuê máy đào thành 2 ao vuông gồm một ao lắng, một ao nuôi và một số dàn quạt với chi phí vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nếu nuôi công nghệ cao thì phải tốn chi phí gấp hàng chục lần cho máy móc, thiết bị, hệ thống ao lắng, ao chứa nước.
Bình An