(TSVN) – Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, kể từ khi chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn được ban hành, ngành nông nghiệp nhận thức có rất nhiều thách thức. Theo đó, xác định nông nghiệp đang đứng trước 3 “biến” lớn: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Toàn ngành đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để thích ứng cũng như tận dụng cơ hội hợp tác từ các quốc gia.
4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt hơn 19 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2023. Có được thành tích này là do, Bộ NN&PTNT và toàn ngành đã chủ động, tích cực, sáng tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tiếp tục chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Theo Bộ NN&PTNT, công tác xúc tiến thương mại đang có kết quả tích cực theo hướng chất lượng cao và sản phẩm truy xuất được nguồn gốc theo chuỗi. Như vậy sau nhiều năm tái cơ cấu, các ngành hàng đang đi vào chiều sâu theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói và truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Với kết quả đạt được này, từ các đối tượng chủ lực, Bộ NN&PTNT sẽ mở rộng các đối tượng khác, kết hợp với việc xúc tiến thương mại quyết liệt hơn, tích cực hơn.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 54 – 55 tỷ USD, tiếp tục khẳng định là trụ cột của nền kinh tế; Ảnh: ST
Với ngành hàng thủy sản, khẳng định thúc đẩy thương mại xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu để đẩy mạnh thị trường trong nước, trong thời gian qua, VASEP đã có nhiều nỗ lực tăng cường giao thương với các doanh nghiệp tại các nước. Thông qua đó, nâng cao sự hợp tác, kết nối thương mại giữa hai bên. Cùng đó, Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản nói riêng đã nỗ lực rất nhiều trong việc xây dựng quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu thị trường, từ đó sản phẩm có mặt tại hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc duy trì hoạt động xuất khẩu thường xuyên vào các thị trường rất khó tính như EU, Mỹ, Nhật… là minh chứng cho chất lượng thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quý I/2024 nền kinh tế nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng tiếp tục chứng kiến suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng, bất ổn địa chính trị và gián đoạn thương mại, những yếu tố này sẽ có tác động gián tiếp đến thương mại toàn cầu cũng như là Việt Nam. Ngoài ra, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của nông sản Việt Nam còn những hạn chế. Đơn cử như chi phí cho xúc tiến thương mại, cho hội chợ còn rất hạn chế. Với những khó khăn nhất định thì khi doanh nghiệp tiếp cận các thị trường cũng là bài toán. Hay theo đại diện VASEP, hiện nhiều thị trường quan tâm đó là kiểm soát sử dụng hoạt chất kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật từ các nước, bên cạnh những yêu cầu đã đề ra từ các đối tác.
Hiện ngành nông nghiệp tại Việt Nam đang chịu nhiều tác động cực đoan từ biến đổi khí hậu (BĐKH), với nhiều nhân tố như: Thời tiết, khí hậu, tài nguyên đất, nước, không khí và môi trường xung quanh. Dự báo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tương lai, các xu thế tác động BĐKH sẽ diễn ra nhanh và phức tạp hơn. Do vậy, đây được coi là một thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Từ đó, việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh ứng phó với BĐKH là xu thế tất yếu, không chỉ riêng Việt Nam áp dụng mà đang được nhân rộng mô hình trên toàn thế giới.
Việt Nam hiện đang có nhiều thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH. Chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đã thể hiện được tầm nhìn chiến lược khi văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 19 và trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về thích ứng BĐKH…; đều nêu rõ những giải pháp quan trọng trong ứng phó với BĐKH đối với ngành nông nghiệp như: Áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, ứng phó với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính…
Tại ĐBSCL, BĐKH là một trong những nguyên nhân khiến hệ sinh thái rừng ngập mặn vùng vành đai ven biển bị tổn thương. Do vậy, giải quyết vấn đề này mà không biến đổi bất cứ hiện trạng nào trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, là một trong những cách tiếp cận của chương trình nuôi tôm sinh thái do Chính phủ Australia tài trợ, dựa trên Chương trình Nền tảng đối tác doanh nghiệp (BPP). Theo ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký Liên minh Tôm sạch và Bền vững Việt Nam (VSSA), nâng cao giá trị kinh tế cho con tôm sinh thái là động lực giúp người dân theo đuổi bền vững mô hình kinh tế chủ lực này. Tham gia chương trình, người dân còn được doanh nghiệp tư nhân chi trả dịch vụ môi trường rừng trên chính cánh rừng của mình. Bên cạnh đó, chương trình cũng sẽ trồng mới lại 10ha rừng ngập mặn sau 2 năm của dự án.
Tiêu dùng xanh, bền vững được nhận định là xu thế chủ đạo và “lên ngôi” trong năm 2024 này. Do đó, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục khẳng định quan điểm và mục tiêu phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững về kinh tế – xã hội – môi trường. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với BĐKH.
Nông nghiệp xanh (NNX) hiện được xem là hướng tiếp cận, là phương pháp mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm cân nhắc giữa sự phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. NNX tập trung vào sử dụng các phương pháp canh tác thông minh, phân bón hữu cơ, giảm sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đặc biệt là sử dụng công nghệ số để quản lý. Mục tiêu của NNX là tạo ra năng suất cao và bền vững, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng đời sống của người nông dân. Sản xuất NNX dựa trên tiền đề tôn trọng tự nhiên, với mục tiêu phối hợp giữa lợi ích về kinh tế – xã hội và sinh thái, đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại để tích cực tham gia vào quá trình phát triển, nhân giống. Thúc đẩy sản xuất xanh trong nông nghiệp mở ra cơ hội lớn, vừa góp phần nâng cao năng suất, vừa bảo vệ môi trường, nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Chia sẻ tại buổi hội đàm với ông Jacob Jensen Bộ trưởng Lương thực, nông nghiệp và thủy sản Đan Mạch sáng 14/5 tại Hà Nội; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phía Đan Mạch cần chia sẻ kinh nghiệm tư vấn về chuyên môn nghiên cứu, đánh giá môi trường trong sản xuất nông nghiệp bao gồm: quản lý tài nguyên bền vững, giảm yếu tố đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ, trong đó có những loại cây có giá trị cao. Đồng thời, phối hợp xây dựng các Chương trình hợp tác trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trồng trọt giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như hợp tác giữa các Viện nghiên cứu, trường.
Hồng Hạnh
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, với quy mô xuất khẩu tăng gấp đôi sau 10 năm qua, thời gian tới Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đến nhiều thị trường trên thế giới. Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ sản lượng sang chất lượng, giá trị và tăng trưởng xanh với hệ thống nông sản phong phú, đa dạng. Việt Nam có thể sản xuất nhiều loại nông sản đa dạng, đặc biệt đa dạng về trái cây nhiệt đới và đang dần hình thành các hệ sinh thái cho chuỗi giá trị nông nghiệp.