Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt 16 hồ sơ của ngư dân huyện Phù Mỹ đủ điều kiện vay vốn để đóng tàu vỏ thép… Tuy nhiên, đến nay đã có 2 ngư dân xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) xin rút hồ sơ.
Được biết, nguyên nhân là do kinh phí đóng tàu đã đội lên với tổng số tiền khoảng 18 – 19 tỷ đồng/tàu, trong khi dự toán kinh phí ban đầu là 10 – 11 tỷ đồng/tàu.
Kinh phí đóng tàu vỏ thép là rất lớn – Ảnh: Quang Quyết
Trong quá trình thực hiện, huyện đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được vay vốn và ký hợp đồng với các doanh nghiệp. Phía ngân hàng cũng khẳng định, nếu dự toán kinh phí đóng tàu cao, cần có đơn vị độc lập thẩm định lại.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định được phân bổ 280 tàu khai thác và 25 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, thực hiện trong năm 2014 – 2016. Tỉnh đã phân bổ cho thành phố Quy Nhơn đóng mới 60 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ; huyện Tuy Phước 5 tàu khai thác; huyện Phù Cát 57 tàu khai thác, 3 tàu dịch vụ; huyện Phù Mỹ 61 tàu khai thác, 4 tàu dịch vụ; huyện Hoài Nhơn 97 tàu khai thác, 13 tàu dịch vụ.