Là một trong những tỉnh được đánh giá triển khai có hiệu quả Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; song vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại tại Bình Định phải nỗ lực nhiều hơn.
Ngư dân Bình Định đóng tàu khai thác Ảnh: Thu Nguyệt
Chú trọng khai thác
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 6.436 tàu cá gắn máy (trong đó có trên 3.700 tàu có công suất 90 CV khai thác xa bờ) tổng công suất 1.781.053 CV, công suất bình quân 277 CV/tàu với khoảng 44.337 lao động tham gia hoạt động khai thác. Sản lượng khai thác năm 2017 đạt 223.000 tấn, tăng 21% so kế hoạch, 5% so cùng kỳ năm 2016, sản lượng cá ngừ đại dương 9.700 tấn, tăng 5,3%.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, Bình Định đã tích cực hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi. Trong số 301 tàu vỏ thép của cả nước được đóng theo Nghị định 67, Bình Định có 48 chiếc.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Mặc dù, tỉnh đạt được nhiều hiệu quả song cũng tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế. Theo các chủ tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, nguyên nhân làm ăn không hiệu quả là vì thời gian qua các “tàu con” (tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67) bị hư hỏng phải nằm bờ suốt cả năm trời, buộc “tàu mẹ” cũng phải nằm bờ. Bên cạnh đó, nhiều tàu vỏ thép nghề vây rút sau khi hư hỏng, hoặc làm ăn không có hiệu quả đều đã xin cải hoán thành nghề mành chụp. Do đó, tàu dịch vụ hậu cần cũng không thể thu mua hải sản và bán xăng dầu, nhu yếu phẩm được nữa. Đến nay, những con tàu vỏ thép hư hỏng đã sửa chữa xong, nhưng các chủ này lại không muốn bán cá lại cho tàu dịch vụ hậu cần.
Vậy là các con tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần ở Bình Định lâm cảnh “dở khóc, dở cười” khi tiếp tục “trùm mền”, còn chủ tàu thì lâm cảnh nợ nần, chưa có lối thoát. Chủ các tàu này có nguyện vọng được chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp nhưng rất khó khăn. Muốn cải hoán từ tàu dịch vụ hậu cần sang làm nghề mành chụp phải mất từ 4 – 5 tỷ đồng mà thủ tục thì rất rườm rà.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, Sở chưa nhận được đơn đề nghị chuyển đổi, cải hoán của chủ tàu dịch vụ hậu cần. Khó khăn nhất hiện nay là các chủ tàu phải thuyết phục được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để cải hoán, bởi số tiền quá lớn. Nếu ngân hàng đồng ý cho vay, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân được thực hiện theo nguyện vọng.
Cũng theo ông Hổ, việc chuyển đổi từ tàu dịch vụ hậu cần sang tàu đánh bắt là rất khó khăn, vừa tốn khoản tiền rất lớn, vừa không đáp ứng được quy hoạch đội tàu cá hiện đại hoạt động theo chuỗi.
Ông Nguyễn Trà Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định cho biết, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Bộ Tài chính cho phép cơ cấu nợ nhưng vẫn được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản nợ vay theo Nghị định 67 do nguyên nhân khách quan (công ty đóng tàu không giao tàu theo đúng thời hạn, giao tàu kém chất lượng, thiết kế không phù hợp, dẫn đến khả năng tài chính bị ảnh hưởng; hoặc do diễn biến bất thường về thời tiết, ngư trường khai thác…). Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, tạo thuận lợi hơn cho việc thực thi. Song đại diện Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn hiện vẫn rất khó, chưa được cải thiện. Vì vậy, tỉnh cần chuyển hướng sang hỗ trợ một lần sau đầu tư, thủ tục như hỗ trợ dầu, khỏi dựa vào ngân hàng.
>> Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định: “Tới đây, Sở sẽ làm việc với chủ các tàu dịch vụ hậu cần và chủ các tàu con để tìm cách giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn; cùng đó, mong muốn hình thành tổ đội “tàu mẹ – tàu con”, tạo điều kiện để các tàu hậu cần hoạt động có hiệu quả kinh tế”. |