(TSVN) – Theo Trung tâm Khuyến nông Bình Định, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm bán thâm canh – thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng bền vững bước đầu thành công, hoàn toàn phù hợp với các vùng nuôi ở Bình Định.
Bình Định có khoảng 1.000 ha ao, hồ nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bán thâm canh – thâm canh, sản lượng thu hoạch chừng 6.000 – 8.000 tấn/năm, năng suất bình quân tương đối thấp – khoảng 8 tấn/ha. Trong quá trình nuôi, hầu hết các hộ nuôi tôm sử dụng nhiều hóa chất, thuốc kháng sinh để xử lý ao và phòng trừ bệnh cho tôm. Một số hồ tôm còn xử lý nước bằng hóa chất làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nói chung và đặc biệt là nước hồ nuôi nói riêng, tỷ lệ tôm mắc bệnh ngày càng cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi.
Cán bộ kỹ thuật cùng hộ dân thả tôm giống. Ảnh: NTN
Xuất phát từ thực tế này, Bình Định đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thủy sản Bình Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào tăng năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho con tôm thương phẩm. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm bán thâm canh – thâm canh ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc theo hướng phát triển bền vững tại Bình Định”. Với nhiều cải tiến quan trọng sau các lần thí điểm tại một số mô hình, đến nay có thể xác nhận rằng công nghệ Semi-Biofloc phù hợp với điều kiện vùng nuôi và năng lực của người nuôi tôm ở Bình Định.
Công nghệ Semi-Biofloc có nhiều điểm vượt trội như: Chất thải và thức ăn dư thừa trong hệ thống nuôi được lợi khuẩn chuyển đổi thành sinh khối của chúng dưới dạng hạt floc làm thức ăn cho tôm, quá trình này giảm tỷ lệ thất thoát thức ăn, giúp lọc sạch nước; lợi khuẩn tạo khối floc còn có khả năng ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh. Nhờ đó cải thiện môi trường nước, giúp tôm tăng đề kháng và phát triển nhanh. Cùng với đó, công nghệ này còn giúp giảm việc thay, cấp nước mới cho ao nuôi, tiết kiệm nước ngọt… Quy trình nuôi tôm theo công nghệ Semi-Biofloc giúp giảm từ 8 – 10% chi phí đầu tư so với cách nuôi tôm lâu nay bà con vẫn áp dụng.
Ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định nhận định: “Với diện tích nuôi 1.000 ha, năng lực sản xuất tôm giống 5 – 6 tỷ con/năm, người nuôi tôm chịu khó tìm tòi, áp dụng và ứng dụng công nghệ mới, Bình Định có đủ điều kiện áp dụng công nghệ mới trong nuôi tôm theo hướng bền vững. Việc nuôi tôm theo hướng như vậy vừa nâng cao năng suất, sản lượng, vừa nâng cao chất lượng con tôm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Qua đó còn đủ điều kiện để tham gia vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả kinh tế.”
Thái Dương