T2, 06/07/2020 01:36

Bình Định: Mạnh tay chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã chọn Bình Định là địa phương làm thí điểm triển khai Luật Thủy sản 2017. Bình Định đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.


 3.600 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Khai thác đi vào nề nếp

Sau khi nhận trọng trách, trong thời gian qua, tỉnh Bình Định đã dốc sức cụ thể hóa Luật Thủy sản gắn với việc thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Những nỗ lực của tỉnh đã được đền đáp xứng đáng với ý thức của ngư dân ngày càng được nâng cao. Bình Định đã lập tức xây dựng, phê duyệt Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 và thực hiện đồng bộ quyết liệt nhiều giải pháp, qua đó đã từng bước nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, khai thác thủy sản theo quy định.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, sau một thời gian triển khai, đến nay đã có 3.600 chủ tàu cá đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Hoạt động KTTS cũng được ngành chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Trong năm 2018 và 2 tháng đầu năm 2019, có 22.057 lượt tàu xuất và nhập bến các cảng cá trong tỉnh đều thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết. Ngành chức năng đã xác nhận 17.065 tấn thủy sản cập cảng và chứng nhận 5.663 tấn thủy sản đủ chuẩn thành phẩm. Trong thời gian này, Bình Định cũng đã “mạnh tay” xử phạt 3 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ với số tiền 255 triệu đồng. Nhờ vậy, từ ngày 11/10/2018 đến nay không có tàu cá nào của Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định khẳng định: “Ghi chép nhật ký khai thác thủy sản của mỗi chuyến biển là cơ sở để ngành chức năng xem xét, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ, đảm bảo quyền lợi cho ngư dân. Hơn nữa, thông qua việc ghi chép, báo cáo sản lượng thủy sản khai thác được sẽ giúp ngư dân tính toán được hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến biển, làm căn cứ để tái đầu tư cho chuyến biển sau”. Lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1959), người đang “cầm trịch” 15 chiếc tàu cá công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chia sẻ: “Tôi khẳng định việc ghi nhật ký hành trình khai thác thủy sản trước tiên là mang lại lợi ích cho chính ngư dân. Ví như tôi đang quản lý đội tàu đánh bắt cá lớn, nhờ thuyền trưởng các tàu đều ghi chép chi tiết trong những chuyến biển, nên dù tôi không trực tiếp ra biển nhưng khi tôi yêu cầu là các thuyền trưởng tàu cá của tôi ở ngoài khơi đều cung cấp chính xác đến từng chủng loại cá đánh bắt được, sản lượng bao nhiêu, chi tiết hành trình… Dựa trên cơ sở đó, tôi liên hệ với các doanh nghiệp thu mua thủy sản để ngã giá từng loại cá. Thương thảo xong, tôi điều tàu cập về địa phương mà doanh nghiệp đã chấp nhận thu mua sản phẩm của tôi với giá tốt nhất”.

Đẩy mạnh kinh tế biển

Với bờ biển dài trên 134 km cùng nhiều cảng biển lớn như Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan… Bình Định là địa phương có truyền thống khai thác hải sản khá lâu đời với đội tàu đánh bắt thủy hải sản khá hùng hậu. Toàn tỉnh hiện có đội tàu hơn 6.100 chiếc, trong đó có gần 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Những năm qua, cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh này cũng được đầu tư mạnh. Toàn tỉnh có 7 cơ sở đóng tàu thuyền với năng lực đóng 100 tàu/năm; hơn 100 cơ sở cung ứng vật tư nghề cá; 23 cơ sở, doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến thủy sản tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Để phát huy tiềm năng này, thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, hiệu quả. Để bảo đảm các mục tiêu trên, Bình Định đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp đến địa phương đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá; nhà máy chế biến, đông lạnh, đóng hộp cá ngừ và thủy sản khác; nâng cấp hạ tầng khu neo đậu trú tránh bão Tam Quan Bắc; xây dựng trung tâm bán đấu giá cá ngừ theo tiêu chuẩn quốc tế tại TP Quy Nhơn. Bình Định cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Bình Định, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá Bình Định là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, đề nghị tỉnh cần nghiên cứu đẩy mạnh kinh tế biển như khai thác thủy hải sản xa bờ, phát triển công nghiệp đóng tàu biển, đưa cảng Quy Nhơn phát triển trong tốp đầu các cảng biển Việt Nam, đầu tư phát triển du lịch biển đảo…

>> Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Việc cụ thể hóa các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 là giải pháp quan trọng để Bình Định hướng đến một nghề cá có trách nhiệm và bền vững, là cơ sở để thuyết phục EC xóa bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Trong năm 2019, tỉnh tiếp tục giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương thực hiện các nội dung tại Đề án thực thi Luật Thủy sản năm 2017 của tỉnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Đình Thung – Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!