Ðầm Thị Nại là một đầm phá lớn, với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản (NLTS) phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ba thập niên, hệ sinh thái và NLTS ở đây ngày càng suy thoái, cạn kiệt. Tại cuộc hội thảo do Chi cục Biển và Hải đảo (B-HÐ) vừa tổ chức ở TP Quy Nhơn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm góp phần quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đầm Thị Nại ngày càng hợp lý, hiệu quả…
Đầm Thị Nại có diện tích mặt nước rộng trên 5.000 ha, trải rộng trên địa bàn TP Quy Nhơn đến Tuy Phước, Phù Cát. Đây cũng là đầm nước lợ có tính đa dạng sinh học cao bậc nhất trên địa bàn. Rừng ngập mặn đầm Thị Nại còn là “vành đai xanh” góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phòng chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai…
Suy thoái trầm trọng
Tuy nhiên, những năm qua, đầm Thị Nại đã và đang phải đối diện trước những nguy cơ suy thoái hệ sinh thái. Phát biểu tại hội thảo “Giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đầm Thị Nại hợp lý, hiệu quả”, ông Hồ Đắc Ngà, hiện trú tại thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bức xúc: “Trước đây, bình quân mỗi ngày gia đình tui có thể thu nhập 150 đến 200 ngàn đồng từ việc khai thác NLTS ở đầm Thị Nại. Giờ thì “bó tay” rồi! NLTS ở vùng đầm này ngày càng khan hiếm”. Ý kiến của ông Hồ Đắc Ngà chỉ là “ví dụ điển hình” về những bức xúc của chính quyền và nhân dân địa phương xung quanh khu vực đầm Thị Nại.
Ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở TN-MT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục B-HĐ, cho biết: Theo khảo sát và đánh giá của các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Chi cục B-HĐ và Viện Hải dương học Nha Trang, chỉ tính trong khoảng 5 năm gần đây (2010-2014), không chỉ hệ sinh thái đầm Thị Nại bị suy thoái, mà NLTS cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Theo thống kê, so với 5 năm trước, NLTS của đầm Thị Nại giảm gần 93%; hiệu quả đánh bắt thấp hơn khoảng 76% so với trước.
Rừng ngập mặn trên đầm Thị Nại thuộc địa bàn xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Cũng theo ông Đinh Văn Tiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ sinh thái và NLTS đầm Thị Nại bị suy giảm, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh tế, xã hội và việc nuôi trồng thủy sản thải ra môi trường một lượng lớn nước thải, chất thải không được xử lý… Cụ thể, theo nhóm nghiên cứu, khu vực phía Đông – Nam đầm Thị Nại có dân số trên 5.228 người, hầu hết hệ thống vệ sinh đều thải thẳng ra đầm; còn khu vực Cồn Chim có hơn 159 hộ thì chỉ có gần 9% số hộ có nhà vệ sinh. Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, qua tham vấn, có gần 98% người dân khu vực ven đầm Thị Nại cho rằng chất lượng môi trường của đầm đang diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi… Cùng với đó, còn có tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, và việc khai thác thủy sản bằng xung điện, xiếc máy, hủy hoại môi trường sinh thái và làm cạn kiệt NLTS.
Giải pháp cải thiện tình hình
Ông Đinh Văn Tiên cho biết: Chính từ nhận thức về thực trạng của đầm Thị Nại, thời gian qua, được sự hỗ trợ của một số tổ chức, đơn vị và các nhà khoa học, Chi cục B-HĐ tỉnh đã và đang triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp đầm Thị Nại theo hướng phát triển bền vững”. Theo đó, bên cạnh việc khảo sát, điều tra, đánh giá thực trạng tình hình suy thoái hệ sinh thái và NLTS của đầm Thị Nại, bước đầu các chuyên gia đã đề xuất một số giải pháp nhằm từng bước cải thiện tình hình môi trường ở khu vực đầm.
Cụ thể về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục B-HĐ cho biết thêm: Trên cơ sở kết quả khảo sát, điều tra, nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình của đầm Thị Nại, nhóm nghiên cứu của Chi cục B-HĐ tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình môi trường đầm, đồng thời góp phần quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên của đầm này ngày càng hợp lý, hiệu quả. Trong đó có một số giải pháp chủ yếu như: Tổ chức kiểm soát và điều tiết các hình thức, phương thức khai thác tài nguyên vùng đầm Thị Nại và khu vực lân cận (chú ý kiểm tra định kỳ đối với các hộ dân khai thác thủy sản qua đăng ký khai thác); xây dựng quy chế quản lý dựa vào cộng đồng; kiểm soát các công trình quanh đầm, nhất là các hoạt động nhà hàng, du lịch, tàu thuyền khai thác qua lại và các hoạt động của cảng cá, chợ cá đầu mối…
Đồng thời, cần phân chia vùng mặt nước, tiến tới giao quyền sử dụng mặt nước; phân vùng kinh tế xã hội, giao cộng đồng quản lý và điều tiết sử dụng tài nguyên trên đầm. Bên cạnh đó, cần tiến hành xây dựng các mô hình quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng, như: Mô hình quản lý ao nuôi bởi CLB nuôi tôm, ứng dụng chế phẩm sinh học và nuôi cá xử lý đáy; mô hình khai thác các loài thực vật và trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ngập mặn; mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; mô hình quản lý rừng ngập mặn…
Ngoài ra, cần quan tâm đến các giải pháp trong hệ thống đầm, như: Áp dụng quy trình nuôi tôm bán thâm canh, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học; bảo vệ và tạo bãi để cho một số loài hai mảnh vỏ; xây dựng vùng đệm như phục hồi và chăm sóc rừng ngập mặn…
>> “Ðáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu, qua tham vấn, có gần 98% người dân khu vực ven đầm Thị Nại cho rằng chất lượng môi trường của đầm đang diễn biến theo xu hướng ngày càng xấu đi…” |