Để ngăn chặn triệt để tình trạng ngư dân xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực để khai thác thủy sản, đồng thời tích cực tháo gỡ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU); việc giám sát tàu cá xuất, cập bến từ các cảng cá và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác là giải pháp được nhiều địa phương ven biển quan tâm, trong đó có tỉnh Bình Định.
Sở NN&PTNT Bình Định phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, nắm chắc số lượng tàu, ngành nghề khai thác
Kiểm soát hoạt động khai thác
Để khắc phục tình trạng ngư dân vi phạm lãnh hải các nước khác, Sở NN&PTNT Bình Định đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh rà soát, nắm chắc số lượng tàu, ngành nghề khai thác; tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về quy định của EU và các giải pháp của Trung ương, của tỉnh…
Bình Định cũng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT để cấp và lắp đặt 587 máy movimar (thiết bị giám sát hành trình) và nâng cấp 2 Trạm bờ tại Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn, đảm bảo thu nhận báo cáo vị trí của các tàu hoạt động ở những vùng biển xa về đất liền. Qua quá trình tư vấn, hướng dẫn, ngư dân địa phương trang bị được 2.852 máy HF tầm xa VX 1700 để kết nối và gửi báo cáo vị trí tàu cá về các Trạm bờ.
Đối với việc xử lý các đối tượng xâm phạm lãnh hải các nước, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 152/2017 về Quy chế phối hợp xử lý các vụ việc tàu cá và ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Theo đó, ngoài việc xử phạt nghiêm tàu cá vi phạm theo quy định, các tàu cá vi phạm sẽ bị loại khỏi danh sách hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010 của Chính phủ; không cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản hợp pháp để bán sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu. Các đối tượng vi phạm còn có thể bị tước giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng và buộc chủ tàu trả kinh phí đưa ngư dân về nước; kiểm điểm ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ…
Mở Văn phòng đại diện
Sở NN&PTNT Bình Định cũng đã thành lập Văn phòng đại diện khai thác thủy sản tại Chi cục Thủy sản và 3 tổ thường trực tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan để kiểm tra tàu cá của ngư dân. Trước khi tàu cá xuất bến, các chủ tàu cá phải thông báo cho tổ thường trực tại các cảng cá để kiểm tra đối chiếu hồ sơ, thông tin về tàu cá và hành trình khai thác. Những tàu cá đảm bảo điều kiện, tổ thường trực xác nhận đã kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, cho ngư dân xuất bến. Từ ngày 2/4 đến nay, sau khi được kiểm tra đã có 3.762 lượt tàu của ngư dân đã xuất bến (cảng cá Tam Quan 2.982 lượt; cảng cá Đề Gi 199 lượt, cảng Quy Nhơn 581 lượt).
Theo Bộ NN&PTNT, việc tháo dỡ “thẻ vàng” của EC đang được đẩy mạnh, trong đó, vai trò của các địa phương trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các vùng biển cũng như quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Bước vào mùa khai thác thủy sản 2018, Bình Định kiên quyết chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài trái phép. Để thực hiện tốt mục tiêu này, các địa phương trong tỉnh đã cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình khai thác. Hiện nay, tại 3 cảng cá lớn của tỉnh là Quy Nhơn, Đề Gi và Tam Quan Bắc, lực lượng chức năng đang đẩy mạnh việc tuyên truyền để các chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; đây là những nỗ lực lớn của Bình Định trong việc thúc đẩy tháo dỡ “thẻ vàng”.
Bên cạnh việc kiểm tra tàu cá xuất bến, Sở NN&PTNT Bình Định cũng kiểm tra, giám sát tàu cá cập bến từ các cảng cá, đồng thời truy xuất nguồn gốc thủy sản của ngư dân. Sở yêu cầu các chủ tàu cá phải thông báo trước ít nhất 1 giờ cho tổ thường trực tại cảng cá để bố trí lực lượng kiểm tra đối chiếu giấy xác nhận kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác và sổ nhật ký khai thác; kiểm tra sản lượng và các loại thủy sản làm căn cứ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Khi phát hiện ngư dân vi phạm các quy định, Văn phòng khai thác thủy sản lập biên bản bàn giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
>> Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho rằng, Nhà nước đã hỗ trợ ngư dân mua bảo hiểm con người, bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ lãi suất vốn vay đóng tàu, hỗ trợ nhiên liệu khai thác thủy sản. Vì vậy, ngư dân phải có trách nhiệm chấp hành chủ trương của Nhà nước. Ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố ven biển cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng ngư dân khai thác thủy sản xâm phạm lãnh hải các nước trong khu vực. |