Thay vì mở rộng diện tích ao nuôi, nhiều người nuôi tôm ở huyện Phù Cát nỗ lực ứng dụng KHKT để nâng cao sản lượng, chất lượng tôm và phát triển bền vững nghề nuôi.
Sau hơn 10 năm nuôi tôm theo cách cũ, tháng 4.2024, ông Phạm Xuân Phương ở thôn Đức Phổ 1 (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) quyết định thực hiện mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng bán thâm canh – thâm canh hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc. Ông Phương chia sẻ, quá trình ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc có sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ kỹ thuật giúp ông giải tỏa nhiều nỗi lo. Tính đến nay, đã hơn tám mươi ngày thả giống, tôm trong ao cho thấy sự phát triển tốt hơn so với cách nuôi cũ.
Tổng diện tích ao hồ nuôi tôm của xã Cát Khánh khoảng 80 ha, trong đó nuôi tôm độc canh khoảng 50 ha, khoảng 30 ha còn lại nuôi xen canh. Mấy năm gần đây, hiệu quả của từ triển khai mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc đã thuyết phục nhiều người. Theo ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc trên địa bàn xã khoảng 8 – 9 ha. Tuy số vốn đầu tư ban đầu cao hơn so với cách nuôi lâu nay nhưng nhờ cho sản lượng tốt nên nhiều người quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc.
Nhờ ứng dụng tốt công nghệ Semi-Biofloc việc nuôi tôm của anh Nguyễn Tất Tùng đạt hiệu quả. Ảnh: NVCC
Là người đầu tiên của tỉnh ứng dụng thành công công nghệ Semi-Biofloc từ 10 năm trước, anh Nguyễn Tất Tùng (xã Cát Minh, huyện Phù Cát) vẫn liên tục triển khai mô hình này kết hợp với một số mô hình nuôi tôm tiên tiến khác; nhờ vậy duy trì ổn định sản lượng và lợi nhuận hằng năm.
“Từ 1,6 ha ban đầu, tôi mở rộng diện tích nuôi ra 2 ha. Hiện tại, tôi đang áp dụng mô hình CPF Combine House kết hợp với mô hình Semi-Biofloc giúp làm sạch, ổn định môi trường nước, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh do ô nhiễm môi trường nước, nhờ đó hạn chế việc tôm bị chết do dịch bệnh. Xác định khó mở rộng thêm diện tích nuôi được nữa, tôi chú trọng đầu tư vào việc ứng dụng KHCN, thực hiện mô hình thật bài bản để hướng đến việc nuôi bền vững”, anh Tùng chia sẻ.
Tổng diện tích ao hồ nuôi tôm độc canh của huyện Phù Cát khoảng 80 ha (trong đó xã Cát Khánh 50 ha, xã Cát Minh 30 ha), theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, sự khác biệt rõ rệt về hiệu quả khiến ngày càng có thêm nhiều hộ nuôi tôm tiếp cận, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ Semi-Biofloc để nâng cao năng suất, sản lượng. Đến nay, diện tích nuôi tôm theo mô hình này trên địa bàn huyện được khoảng 20 ha.
Ngọc Tú
Nguồn: Báo Bình Định