Bình Định: Quy hoạch 375 ha vùng nuôi tôm công nghệ cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành có diện tích 375 ha. Giới cận của khu đất gồm phía Bắc giáp Nhà máy xỉ Titan Sài Gòn – Quy Nhơn và đường quy hoạch lộ giới rộng 30 m; phía Đông giáp biển Đông; phía Nam giáp khu dịch vụ hậu cần nghề cá; phía Tây giáp đường quy hoạch lộ giới 45 m.

Mục tiêu của quy hoạch là cụ thể hóa đề án, chủ trương hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Định, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa phát triển ngành nuôi tôm nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung; đảm bảo khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Định phát triển bền vững, có khả năng thu hút tốt các nhà đầu tư, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm với trình độ sản xuất, khoa học – công nghệ, cơ sở hạ tầng hiện đạI; tạo cơ sở pháp lý lựa chọn nhà đầu tư, lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch.

Ảnh minh họa

Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển ngành tôm được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với địa hình ven biển huyện Phù Mỹ. Đồng thời là khu sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, sản xuất tôm thương phẩm, chế biến thức ăn, chế biến tôm và các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, miền Trung và cả nước.

Ngoài ra, đây sẽ là nơi tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong phát triển tôm.

Được biết, dự án này cũng là một phần của chương trình “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2025”. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của chương trình hành động là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp tỉnh miền Trung này bình quân tăng 3,2 – 3,6%/năm. Về thủy sản, sản lượng khai thác xa bờ đạt 200.000 tấn, trong đó khai thác ứng dụng công nghệ cao 72.000 tấn. Sản lượng tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt 13.000 tấn. Tàu thuyền ứng dụng công nghệ cao chiếm 36% số tàu thuyền đánh bắt xa bờ; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm 30% diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh.

Bình An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!