(TSVN) – Theo Sở NN&PTNT Bình Định, sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6.900 tấn, tăng 8% so cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 4.700 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2024, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) đã xuất hiện trên tôm thẻ chân trắng và cá lăng nha nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó còn xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn thuộc nhóm Vibrio spp và hiện tượng tôm bị sốc, suy giảm sức đề kháng do thời tiết thất thường làm thay đổi đột ngột nhiệt độ nước môi trường ao nuôi. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được phát hiện sớm và kiểm soát hiệu quả.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 6.900 tấn, tăng 8% so cùng kỳ, đạt 96% kế hoạch. 6 tháng cuối năm 2024, địa phương phấn đấu sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 7.780 tấn, trong đó sản lượng tôm nuôi khoảng 6.100 tấn.
Sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.700 tấn, tăng 6% so cùng kỳ. Ảnh: Thành Nguyên
Hiện, các hộ nuôi đang tích cực xử lý ao hồ để tiếp tục vụ thứ hai vào đầu tháng 7. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, không theo quy luật, dẫn đến khả năng xảy ra dịch bệnh trên thủy sản rất cao. Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại cho thủy sản nuôi do biến động thời tiết và ổn định, duy trì sản xuất, Chi cục Thủy sản Bình Định khuyến cáo người dân:
Đối với nuôi tôm vụ 2, trước hết, phải xử lý ao nuôi ban đầu, tiêu diệt các vật chủ trung gian mang mầm bệnh lây truyền như cua, còng, tôm, tép, cá tạp… bằng các loại hóa chất đã được phép lưu hành. Nước trước khi thả nuôi phải qua hệ thống ao chứa (lắng, lọc); sau đó tiến hành diệt virus, vi khuẩn, vi bào tử, diệt nguyên sinh động vật bằng các loại hóa chất như: Formalin, vôi CaO hoặc Chlorine… rồi lấy nước vào ao nuôi.
Tôm giống cần được xét nghiệm các bệnh: Hoại tử gan, virus đốm trắng, vi bào tử trùng và kiểm dịch loại bỏ bệnh do ký sinh trùng, bệnh nấm, bệnh phát sáng, bệnh đỏ thân… Duy trì mực nước trong ao trên 1,5 m, cung cấp đủ ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước, máy sục khí vào thời điểm 10 – 18 giờ và ban đêm.
Sử dụng lưới lan che phủ 2/3 diện tích mặt ao và cao hơn mặt nước trên 2 m để hạn chế bức xạ của ánh sáng mặt trời, giảm tăng nhiệt độ nước trong ao, tránh gây sốc cho thủy sản nuôi.
Cần giảm 50% lượng thức ăn khi trời nắng nóng gay gắt. Bổ sung Vitamin C, khoáng chất, chế phẩm sinh học vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng. Hằng tuần, nên dùng vôi bột hòa tan tạt đều khắp ao vào buổi chiều mát để khử trùng nguồn nước và ổn định pH trong ao với hàm lượng 2 – 4 kg /100 m³.
Chủ động thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm hoặc san thưa mật độ khi thiếu nước, hạn hán xảy ra.
Khi có dịch bệnh xảy ra, cần báo cáo với cán bộ theo dõi thủy sản xã; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra, chẩn đoán bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời.
Thanh Hiếu