Bình Định: Triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ngành thủy sản năm 2022

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành NN&PTNT năm 2022, tỉnh Bình Định đã dựa theo các mục tiêu, nhiệm vụ được Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh đề ra. Ngày 11/2/2022, Sở NN&PTNT Bình Định đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 ngành NN&PTNT.

Theo Kế hoạch đã được Giám đốc Sở NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 84/QĐ-SNN thì mục tiêu là tốc độ tăng tổng sản phẩm địa phương (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân năm 2022 đạt 3,2 – 3,4%. Trong đó, tổng sản lượng thủy sản đạt 269.000 tấn, bao gồm: Sản lượng khai thác thủy sản đạt 255.000 tấn (sản lượng khai thác biển đạt 252.500 tấn); sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 14.000 tấn.  Để thực hiện tốt nhiệm vụ ngành thủy sản trong năm 2022, Kế hoạch cũng đã nêu ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như sau:

Các tàu cá chuẩn bị vươn khơi. Ảnh: Thành Nguyên

– Thực hiện quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, cơ cấu lại số lượng tàu cá khai thác hợp lý, theo hướng giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

– Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm, chất lượng thủy sản sau khai thác. Xây dựng và nhân rộng chuỗi liên kết khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh.

– Thực hiện đồng bộ, hiệu quả khuyến nghị của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và hướng tới phát triển thuỷ sản biển bền vững, hiệu quả; hài hoà với các quy định về kiểm soát thuỷ sản theo thông lệ quốc tế. Trong đó, chú trọng quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác thủy sản hoạt động ngoài tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

– Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản. Phối hợp Hiệp hội Thủy sản và các đơn vị liên quan trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

– Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ.

– Kêu gọi đầu tư nuôi trồng và chế biến tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi tập trung thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh; phát triển nuôi cá lồng biển, tôm hùm thương phẩm.

– Xây dựng và triển khai thực hiện Chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Người dân chuẩn bị cho vụ nuôi. Ảnh: Thành Nguyên

– Đẩy mạnh công tác khuyến nông chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, thực hiện các mô hình an toàn sinh học, công nghệ cao, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: nuôi ghép tổng hợp tôm – cua – cá; nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi-Biofloc; nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt; nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ nano trong bảo quản sản phẩm thủy sản trên tàu cá.

Thành Nguyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!