Những tháng cuối năm 2015, thời tiết thuận lợi hơn hẳn các năm trước, nhưng nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở huyện Bình Sơn vẫn phải cho tàu nghỉ đông, vì thiếu bạn chài ra khơi.
Tàu nghỉ đông
Qua tìm hiểu được biết, vài ba năm trở lại đây đến tháng 10, tháng 11 là ngư dân bỏ biển lên bờ, kiếm nghề khác, bởi chuyến biển cuối năm thời tiết thường có gió bão, không khí lạnh nên ngư dân không muốn ra khơi vì sợ lỗ vốn. Mùa đông năm nay, cho dù biển lặng, nhưng giá hải sản lại giảm mạnh, như giá mực khô giảm xuống còn 59.000 đồng/kg, giảm 25.000 đồng/kg so với đầu vụ nên ngư dân không mấy mặn mà ra khơi. Vì vậy nhiều tàu câu mực phải nghỉ đông, cho tàu làm nước đợi ăn Tết Nguyên đán xong mới ra khơi trở lại.
Tàu nghỉ đông, nên nhiều ngư dân cho lên nề để cải hoán, nâng cấp – Ảnh: N.H
Anh Võ Minh Hiền, xã Bình Chánh, chủ tàu QNg 85221TS hành nghề câu mực ở Trường Sa, Hoàng Sa cho biết: Mùa biển năm nay tàu ra khơi được 3 chuyến, 2 chuyến đầu mỗi bạn chài kiếm được từ 100 – 150 triệu đồng, riêng anh là chủ tàu nên có khoản thu trội hơn gần 500 triệu đồng. Chuyến biển cuối cùng vừa cập bến cách đây 3 tuần, nhưng mực khô cuối vụ bán rẻ quá (chưa được 60.000 đồng/kg) nên mỗi ngư dân dù câu được cả tấn mực, nhưng với giá đó thì chỉ đủ tổn mà thôi, vì vậy ai nấy cũng chùn bước. Nếu như giá mực cao như đầu vụ thì anh em bạn chài cũng cố ra khơi để kiếm ít đồng trang trải cho dịp cuối năm.
Đặt cọc bạn chài
Phần lớn tàu đánh bắt xa bờ, nhất là nghề khai thác mực nếu muốn có bạn ra khơi, thì phải đặt cọc ngay từ cuối năm, có khi sớm hơn để khi bước vào mùa biển mới, có đủ bạn chài ra khơi.
Anh Phạm Văn Tiến, chủ tàu QNg 95572TS ở xã Bình Chánh bày tỏ: “Tôi năm nay 42 tuổi đời, nhưng đã có 27 năm theo nghề biển, lúc đầu làm tài lọt phụ cơm nước rồi trở thành bạn chài chính thức, vài năm sau nữa trở thành chủ tàu. Cách đây 4 năm, tàu khai thác không đạt, liên tiếp nhiều chuyến ra khơi lỗ vốn nên tàu nằm bờ. Tìm bạn chài không ra, phải ngậm ngùi bán tàu trả nợ.
Một năm đi làm công trình xây dựng, lòng cứ bồn chồn nhớ biển. Ở biển mà không đi biển thì làm thứ gì, biển là máu thịt của ngư dân làm sao mà bỏ được”. Năm 2015, anh quyết định vay vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng đóng tàu ra khơi. Hiện con tàu QNg 95572TS đã hoàn tất, đợi ăn Tết Nguyên đán xong là khởi hành. Thời gian qua anh cũng tìm đủ 38 bạn chài cho tàu. Cũng theo anh Tiến, từ bây giờ cho đến khi tàu ra khơi mùa biển mới, gia đình anh phải chuẩn bị từ 300 – 500 triệu đồng để bỏ tiền cọc với ngư dân. Mùa tàu nghỉ đông nên nhiều bạn chài không ra khơi, không có tiền, chủ tàu phải ứng trước cho họ mượn.
Còn ông Nguyễn Lực ở xã Bình Đông cũng cho biết: Trước đây gia đình ông cũng hùn vốn chung tàu hành nghề lưới vây, nhưng mấy năm gần đây, thời gian cuối và đầu vụ là phải đôn đáo tìm bạn chài; chỉ cần có người đồng ý là được, không phân biệt tuổi tác già hay trẻ. Tuy nhiên, đi vài chuyến biển không đạt là bạn chài bỏ tàu mình, sang tàu khác hoặc về làm lưới thúng, xin đi làm công trình… Nhiều chuyến ra khơi tàu khai thác không hiệu quả, nên ông đã bán tàu, giờ ở nhà chưa biết tìm việc gì làm. Bạn chài ngày nay không còn gắn bó trúng cùng hưởng, khổ cùng chịu như xưa. Nhất là thanh niên trai tráng, biển không có thì họ xin đi làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp dưới Dung Quất.
Ông Lê Đăng Khoa – Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn cho biết: Hiện tại toàn huyện có 1.200 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 169.301CV, giảm 12 chiếc so với năm 2014, nhưng tổng công suất tăng thêm 11.989 CV. Trong đó có gần 50% tàu thuyền khai thác xa bờ tập trung chủ yếu ở các xã Bình Châu, Bình Chánh, Bình Thạnh và Bình Đông. Năm 2015, nhiều tàu khai thác xa bờ hành nghề câu mực, lưới vây, câu đảo, đạt hiệu quả; mỗi tàu có thu nhập từ 3 – 5 tỷ đồng. Tuy nhiên vào dịp cuối năm, nhiều bạn chài không muốn ra khơi, vì sợ ngư trường ít hải sản dễ lỗ tổn phí. Nhiều tàu đánh bắt xa bờ, bạn chài không phải là người địa phương mà tập hợp nhiều huyện, nhiều tỉnh nên họ chỉ đi bạn mùa nắng ráo. Còn thời điểm này thì thường kiếm việc khác để làm.
Tuy có khó khăn trong việc tìm kiếm bạn chài, nhưng nhiều chủ tàu và những ngư dân thực thụ của huyện Bình Sơn vẫn mong muốn ra khơi. Ngoài việc khai thác hải sản đem lại nguồn thu nhập cho gia đình, ngư dân ra khơi còn mang một ý nghĩa cao cả hơn, đó là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.