Họ gồm 5 người ngồi bên bờ kè ven sông, kiên nhẫn gỡ rác trong một tấm lưới ghẹ. Lưới thả cách bờ 4 hải lý, nhưng lại mắc vỏ xe đạp cũ, lon sữa bò, vỏ ốc… những thứ mà con người thải ra trong đất liền.
Chúng tôi đang nói với nhau về chuyện đi biển trong những ngày mưa bão. Lúc này là 20/6. Chuyện đi biển mùa mưa, ít nhiều làm những người gỡ lưới trở nên thân mật với tôi, còn tôi thì khéo léo hỏi họ: Vì sao những người làm nghề đi biển và cả người sống ven bờ sông Dinh cứ ném rác xuống sông? Dòng sông từ lúc nào trở thành nơi chứa rác, sau đó một phần rác trôi ra biển. Bằng chứng lúc này đây, sông cạn bày ra toàn rác sinh hoạt.Tôi nói với người phụ nữ trẻ bịt mặt: “Em có nghĩ rác mắc trong lưới trôi từ sông ra biển?”. “Dạ, em đang gỡ đây. Ngày nào cũng phải gỡ rác trong lưới”. “Nếu mọi người không coi sông là nơi thải rác, em chẳng phải tốn công như đang làm”- tôi nói. “Một người thì được gì, phải nhiều người cùng làm” . “Đã có ai nói với ngư dân là không nên thải rác ra sông?”. “Em chưa nghe!”… Trong lúc trò chuyện với người gỡ lưới ghẹ, tôi quan sát hai bên bờ sông. Hai bên bờ thuyền đậu san sát, cả giữa dòng sông và bên dưới lòng cầu đúc. Đông nhưng rất ít thuyền buộc dây neo vào trụ do Nhà nước xây, mà buộc vào chân cầu, vào những trụ neo tự tạo. Trước đó, có không ít người dân dùng vật nặng, đục thủng bề mặt kè rồi xây lên những trụ neo thuyền. Những trụ này nhỏ và không đủ cứng để giữ những con thuyền trước nước lũ thường đổ về trong tháng bảy, tháng tám hàng năm. Bờ kè tả ngạn sông Dinh từ lúc nào trở nên lồi lõm bởi trụ neo do ngư dân tự làm. Tuổi thọ của kè ít nhiều ảnh hưởng. Nếu không sớm ngăn chặn, với trên 2.000 con thuyền đang có, không ai dám chắc rằng trong tương lai gần kè sông Dinh không xuất hiện thêm trụ neo tự tạo vừa không bảo đảm an toàn vừa mất mỹ quan?