T2, 06/07/2020 12:59

Bình Thuận khẩn trương cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”

Chưa có đánh giá về bài viết

Những hải sản khai thác có chất lượng như thế này của Bình Thuận cũng như cả nước sẽ khó có thể xuất khẩu sang thị trường Châu Âu trong thời gian tới nếu chúng ta không có những giải pháp mạnh tay để ngăn chặn, và xử lý quyết liệt đối với việc tàu cá và ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng”  đối với sản phẩm khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU . Kể từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018, nếu các biện pháp khắc phục của Việt Nam không đủ tích cực thì EU xem xét chuyển từ “ thẻ vàng” sang “ thẻ đỏ” đồng nghĩa với việc Việt Nam bị cấm xuất khẩu hải sản sang EU. Đây là nguy cơ rất lớn có thể dẫn tới đánh mất một thị trường xuất khẩu thuỷ sản của cả nước và của tỉnh.

Bất chấp hậu quả vì lợi nhuận cao

Vùng biển của tỉnh có chiều dài bờ biển gần 192 km, vùng nước nội thuỷ rộng 21.600km2, địa bàn khu vực biên giới biển chủ yếu là bãi ngang, công tác quản lý, giám sát tàu cá hoạt động cũng như việc xác minh thông tin ngư dân bị bắt giữ ở vùng chồng lấn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng, phương tiện còn hạn chế. Hiện nay, nguồn lợi hải sản khu vực biển nước ta giảm sút làm cho hiệu quả sản xuất thấp kém, thua lỗ; đời sống của ngư dân khó khăn. Trong khi đó, nguồn lợi hải sản các nước tiếp giáp còn phong phú, thuận lợi cho việc khai thác, dẫn đến việc ngư dân đã cố tình vi phạm chủ quyền vùng biển các nước láng giềng phục vụ nhu cầu mưu sinh.

Bình Thuận có khoảng 1.575 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa. Trong 3 năm gần đây, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có hơn 30 vụ, năm 2015 xảy ra 7 vụ/7 tàu cá/58 ngư dân; năm 2016 xảy ra 17 vụ/25 tàu cá/234 ngư dân; năm 2017 xảy ra 7 vụ/7 tàu cá/84 ngư dân. Trong đó, tàu cá vi phạm nhiều nhất là ở địa bàn La Gi, Phú Quý và đều bị Malaysia và indonesia bắt giữ. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu cá làm nghề câu khơi và thu mua hải sản, các loại đánh bắt chủ yếu là các loại mực và cá có giá trị kinh tế cao gấp đôi.

Mặt khác, ý thức ngư dân còn hạn chế trong việc chấp hành  các quy định của pháp luật nước ta và tôn trọng chủ quyền vùng biển của các nước tiếp giáp. Một số tổ chức, cá nhân trong nước liên hệ với tổ chức nước ngoài để móc nối, đưa tàu cá và ngư dân trong tỉnh ra nước ngoài đánh bắt không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và của nước ngoài…

Đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý kiên quyết

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, hơn bao giờ hết, Bình Thuận đang ra sức thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng vi phạm một cách quyết liệt. Chi Cục Thuỷ sản Bình Thuận đã phối hợp với các đồn Biên phòng và UBND các địa phương tổ chức tuyên truyền ở các địa phương có tàu thuyền vi phạm, để giúp ngư dân hiểu rõ quy định pháp lý và thiệt hại mà chủ tàu gánh chịu nếu vi phạm.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến, chú trọng tàu cá có công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ. Thu hồi giấy phép khai thác thuỷ sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 6 tháng đối với tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về. Không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản vĩnh viễn, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý hoặc không giải quyết hỗ trợ theo quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 và không giải quyết các chính sách theo NĐ này…

La Gi là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm lãnh hải nước ngoài, thời điểm này  đang quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.  Cụ thể lập danh sách tàu cá và ngư dân vi phạm để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phê bình trước nhân dân nơi cư trú các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài vừa qua của xã, phường để giáo dục, phòng ngừa chung. Yêu cầu các chủ tàu cá viết bản cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Từng xã phường xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp chấm dứt tàu cá xã, phường khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Mong rằng với những nỗ lực trên, Bình Thuận cùng cả nước sẽ sớm chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài, hướng tới khai thác hợp pháp và bền vững.

H. Châu

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!