Bình Thuận: Mùa cá nam chông chênh

Chưa có đánh giá về bài viết

Đang chính vụ cá nam nhưng không khí tại các cảng cá trong tỉnh không nhộn nhịp, náo nhiệt như mọi năm. Tàu thuyền vẫn hăng hái ra khơi, nhưng những chuyến biển trở về không như mong đợi khi sản lượng đánh bắt không giúp ngư dân có lãi…

Nguồn lợi cạn kiệt

6 giờ sáng những ngày cuối tháng 8, ghé cảng cá Cồn Chà (TP. Phan Thiết), một trong những cảng lớn nhất của tỉnh, nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ đang cập bến bốc dỡ hải sản, những thương lái đang đứng đợi sẵn với hy vọng mua được đủ lượng hải sản để bán cho bạn hàng. Ngư dân Phan Văn Chi (P. Phú Hài) sau 1 tháng lênh đênh trên biển vừa cập cảng với vẻ mặt buồn so, chia sẻ: “Tôi cùng 10 bạn thuyền đánh bắt xa bờ hơn 1 tháng nay nhưng chỉ được hơn 2 tấn cá nục, trừ hết chi phí chia cho bạn thuyền mỗi người chưa đến 1 triệu đồng. Tìm bạn đi biển đã khó, mà sản lượng mỗi chuyến biển ngày càng ít khiến anh em không còn mặn mà”. Từ đầu vụ cá nam đến nay, anh Chi đi được 3 chuyến, trước mỗi chuyến vươn khơi, anh “đỏ mắt” tìm bạn thuyền. 2 chuyến đầu còn chia mỗi người được 4 – 5 triệu đồng, chuyến biển đợt này anh bảo huề vốn là mừng.

Sản lượng mỗi chuyến biển ngày càng ít khiến nhiều lao động biển không còn mặn mà.

Không riêng gì anh Chi, lão ngư Trần Văn Tạo (P. Phước Hội – La Gi) cũng than thở: “Từ đầu năm đến nay, 5 chuyến ra khơi của tôi và nhiều ngư dân khác ở đây đều lỗ. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, ít nhất mỗi chuyến vươn khơi chúng tôi đều thu được 4 – 5 tấn cá các loại. Năm nay, hải sản lặn mất tăm, đi cả tháng trời vẫn không cải thiện. Hơn chục bạn theo tàu của tôi mấy năm nay cũng lần lượt bỏ lên bờ tìm việc khác kiếm sống. Đã cuối tháng 7 âm lịch, nhưng ít ngư dân trúng được luồng cá như mọi năm. Tình hình này đến cuối vụ cá nam chắc cũng không có gì khả quan”.

Cá về cảng Phan Thiết mùa cá nam năm nay không nhiều như mọi năm.

Theo những ngư dân dày dạn kinh nghiệm, thời điểm này năm ngoái, cá nục, bạc má, mực… tràn ngập các chợ. Năm nay, tàu thuyền nào cập bến cũng lác đác vài tạ, than lỗ dầu dù đang vào vụ đánh bắt cá thuận lợi nhất trong năm. Có thể do thời tiết không thuận lợi như mọi năm, nhưng nguyên nhân chính là do ngư dân đánh bắt theo kiểu tận diệt trong thời gian dài khiến hải sản không kịp lớn. Trong đó, nghề mành chà, vây rút chì hay nghề câu đã ảm đạm, còn ngư dân đi nghề mành mực thất thu càng nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, nhiều tàu thuyền ở La Gi chuyên hành nghề mành mực cũng muốn buông xuôi khi đi cả tháng trời chưa được 1 tạ mực.

Ngư dân La Gi đang lấy nhu yếu phẩm chuẩn bị cho chuyến vươn khơi.

Theo ngành nông nghiệp, trong tháng 7 – 8 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông làm ảnh hưởng đến hoạt động đánh bắt thủy sản, lượng tàu ra khơi đánh bắt không đều, sản lượng thủy sản khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước. Ngư trường khai thác chủ yếu tập trung tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh, khu vực phía nam đảo Phú Quý, Côn Sơn, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1. Sản lượng thủy sản khai thác 7 tháng năm 2024 đạt hơn 134.000 tấn, tăng 1,38% so cùng kỳ năm trước. Ngư trường và nguồn lợi hải sản là yếu tố quan trọng để duy trì nghề khai thác hải sản. Chủ trương xuyên suốt của các ngành chức năng đối với phát triển nghề cá là vừa tăng cường năng lực đánh bắt nhưng phải chú trọng đến việc bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua việc khai thác tận diệt hải sản ven bờ đang diễn ra khá phổ biến, thêm vào đó nhiều tàu cá khai thác bằng nghề giã cào, xung điện, dùng chất nổ hủy hoại môi trường…

Lao động biển ngày càng khan hiếm khiến nhiều tàu không thể vươn khơi. (ảnh: N. Lân)

Lao động biển khan hiếm

Nguồn lợi không dồi dào, thêm vào đó tìm lao động biển ngày càng khó khăn khiến nhiều tàu thuyền không đủ điều kiện vươn khơi. Ngư dân Nguyễn Văn Thanh (Hưng Long) cho biết: “Thuyền của gia đình tôi muốn vươn khơi phải cần 5 lao động để vận hành, nhưng hiện tại không thể gọi đủ số lượng thuyền viên ra khơi. Nguyên nhân cũng do thu nhập từ nghề khai thác thấp hơn so với nhiều nghề khác nên hầu như ngư dân ở đây đã không còn mặn mà với nghề đi biển”.

Đang chính vụ cá nam, nhưng ghe thuyền cập cảng thu về sản lượng không mong đợi.

Thực tế cho thấy, nhiều ngư dân là lao động trẻ đã tìm nghề khác khi nhiều chuyến biển liên tục thu không đủ bù chi, sản lượng hải sản hàng năm cứ tiếp tục giảm. Đã có những thời điểm nhiều bạn thuyền phải năn nỉ để được đi biển, các cảng cá luôn tấp nập tàu thuyền, mỗi ngày mang về hàng chục tấn hải sản, thế nhưng ngay trong thời điểm chính vụ cá nam nhưng bến cá, cầu cảng vẫn vắng vẻ đìu hiu, lao động biển buộc phải tìm nghề khác sinh nhai. Do đó, các chủ tàu không có sự lựa chọn bạn thuyền già hay trẻ, có tay nghề hay không, mà “có người chịu đi là mừng”. Vì vậy, thực trạng thiếu hụt lao động biển, nhất là lao động trẻ đang xảy ra tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ tàu thuyền đánh bắt xa bờ, hiện đại hóa đội tàu, khuyến khích ngư dân, chủ tàu áp dụng thiết bị công nghệ đánh bắt hiện đại, dần thay thế sức người. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đề ra những giải pháp quản lý nhà nước trong bảo vệ môi trường biển, nguồn lợi hải sản, tăng nuôi trồng, giảm khai thác. Đặc biệt, đã đẩy mạnh tuyên truyền những nghị định mới trong đánh bắt thủy sản, nhằm giúp ngư dân nâng cao ý thức đánh bắt hải sản có trách nhiệm, khai thác nguồn lợi hợp lý để ngư trường mãi là ngôi nhà chung cho hàng vạn ngư dân cùng được hưởng lợi.

Về lâu dài, để bảo vệ môi trường biển, cần có cơ chế chính sách phù hợp để tập trung cải hoán tàu thuyền, đào tạo nguồn lao động, nhất là lao động trẻ, nâng cao trình độ, kỹ thuật khai thác. Ngoài ra, chủ tàu cũng cần cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu an toàn, tiện lợi để ngư dân có sức khỏe, yên tâm gắn bó với nghề cá… Thêm vào đó, cần nghiên cứu mùa cấm đánh bắt đối với một số ngành nghề, để hải sản có thời gian sinh sôi, nảy nở.

Minh Vân

Nguồn: Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!