Là huyện đảo duy nhất của tỉnh Bình Thuận, Phú Quý sở hữu nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và nhất là tiềm năng kinh tế lớn từ biển. Kinh tế biển đảo ngày một phát triển, đời sống ngư dân nhiều đổi thay.
Nhiều chuyển biến
Thống kê cho thấy, tình hình khai thác thủy sản tại huyện đảo Phú Quý có những chuyển biến tích cực; sản lượng khai thác thủy sản bình quân hơn 24.000 tấn/năm, tăng 10,5% so mục tiêu đề ra; giá trị sản phẩm thủy sản ngày càng tăng. Toàn huyện có 1.187 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 98.328 CV, hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm và cung ứng dịch vụ hậu cần. Trong đó, việc phát triển dịch vụ hậu cần đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị khai thác thủy sản. Cùng với đó, hoạt động khuyến ngư được chú trọng; công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản được tăng cường, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khai thác hải sản bằng chất nổ, chất độc hại và vi phạm lãnh hải nước ngoài. Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè, ao chắn được duy trì và phát triển tương đối khá, toàn huyện có 70 hộ nuôi trồng hải sản, với diện tích 10.730 m2, tổng sản lượng xuất lồng đạt 180 tấn/năm.
Thủy sản là thế mạnh của huyện đảo Phú Quý – Ảnh: CTV
Trong 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng khai thác hải sản của Phú Quý ước đạt 13.831 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ năm ngoái và gần bằng 58% kế hoạch năm nay. Song song đó, công tác bảo vệ nguồn lợi đã được lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp khai thác rạn san hô, thảm thực vật quanh đảo. Triển khai Nghị định 67 của Chính phủ, đến giữa năm nay Phú Quý đã có 81 trường hợp vay vốn đóng tàu công suất lớn được xét duyệt, với tổng số tiền 672,6 tỷ đồng.
Chặng đường phía trước
Ngày 25/5, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định 1330/QĐ-UBND về việc triển khai thực hiện chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Thuận”. Theo đó, có nội dung về tập trung xây dựng và phát triển mạnh khu kinh tế đảo Phú Quý. Cụ thể: xây dựng huyện đảo trở thành trung tâm khai thác, bảo quản, chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và là trung tâm cứu hộ, cứu nạn của khu vực Nam Trung bộ, là hậu cứ vững chắc của Trường Sa. Tập trung vận động, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Phú Quý, các công trình hạ tầng thương mại theo quy hoạch được phê duyệt nhằm thu hút đầu tư mới và di dời các cơ sở chế biến trong khu dân cư vào cụm công nghiệp tập trung.
Tăng cường phối hợp thực hiện có kết quả việc giải ngân cho nhân dân vay vốn đầu tư phát triển thủy sản theo Nghị định số 67 của Chính phủ. Tổ chức lại hoạt động nuôi hải đặc sản bằng lồng bè trên biển một cách hợp lý. Tăng cường công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ cây xanh, rừng phòng hộ để phủ xanh đất trống và bảo vệ nguồn nước ngầm trên đảo. Tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế biển, gắn với đẩy mạnh phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch. Tập trung phát triển lĩnh vực sửa chữa tàu thuyền; ưu tiên phát triển các ngành ít gây ô nhiễm môi trường và sử dụng ít nước ngọt. Kêu gọi và khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống tách nước ngọt trong nước biển để chủ động cung cấp nước ngọt phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên đất, cát xây dựng và các loại đất theo quy hoạch vì mục tiêu phát triển bền vững…
Nhưng một thực tế, ngành khai thác hải sản của tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực. Nhiều chủ tàu lâm vào cảnh khó khăn do không tìm được bạn thuyền đi biển. Theo đó, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ ngư dân về khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế của mỗi chuyến đánh bắt. Một khi có thu nhập ổn định, người bạn lao động mới gắn bó với nghề, với chủ phương tiện.
>> Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, địa phương có hơn 7.400 tàu thuyền hành nghề khai thác hải sản với khoảng 38.000 lao động. Nhưng chỉ có khoảng 30% người lao động biển ở địa phương thực sự bám nghề truyền thống một cách vững chắc. Còn lại khoảng 70% lao động mang tính thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài với nghề. |