Để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, những năm qua tỉnh Bình Thuận đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá; triển khai các chính sách hỗ trợ thủy sản mà điển hình là Nghị định 67. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, song Nghị định 67 đã phần nào giúp ngư dân yên tâm phát triển sản xuất, vươn khơi bám biển.
Hỗ trợ khai thác
Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Bình Thuận cho thấy, trong tháng 10, thời tiết và ngư trường thuận lợi, các đàn cá nổi áp lộng nhiều hơn; nguồn lợi hải đặc sản xuất hiện với mật độ cao, hoạt động khai thác hải sản đạt hiệu quả. Theo đó, sản lượng khai thác hải sản 10 tháng đạt 189.883 tấn (90,4% kế hoạch), tăng 1,3% so cùng kỳ. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường; trong tháng đã phát hiện và xử lý 32 vụ vi phạm.
Qua 5 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá 187 trường hợp. Năng lực sản xuất nghề cá của tỉnh được bổ sung tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng. Toàn tỉnh đã đóng mới hoàn thành và đi vào hoạt động 114 tàu cá với tổng công suất 79.026 CV, trong đó có 33 tàu dịch vụ thủy sản (30%) và 81 tàu cá khai thác xa bờ. Để hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, ngoài việc đầu tư nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, những năm qua tỉnh còn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá. Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đang triển khai xây dựng hai khu neo đậu tàu cá tránh trú bão ở huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã đăng ký nguồn vốn Trung ương đầu tư cho 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Mũi Né và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Chí Công, tuy nhiên đến nay, các dự án này chưa được bố trí vốn đầu tư.
Có thể thấy, chính sách tín dụng cho vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp ngư dân tiếp cận nguồn vốn lớn đầu tư đóng mới tàu. Những con tàu có công suất và kích thước lớn, trang bị hiện đại hoạt động trên vùng biển xa bờ đã giảm áp lực cho vùng biển ven bờ, mang lại lợi nhuận cao cho các chủ tàu, tạo việc làm và thu nhập cao, ổn định cho ngư dân trong tỉnh. Đồng thời, chuyển dịch cơ cấu tàu cá theo hướng tăng số lượng tàu hoạt động xa bờ, giảm tàu nhỏ hoạt động tại vùng biển ven bờ.
Bộ đội Biên phòng tăng cường tuyên truyền cho ngư dân khai thác đúng quy định – Ảnh: ST
Tháo gỡ vướng mắc
Theo báo cáo của các địa phương trong tỉnh, đến cuối tháng 9/2019, số tàu cá đang có trạng thái kỹ thuật bình thường là 105 chiếc, số tàu nằm bờ dừng hoạt động là 10 chiếc; trong đó, số tàu hoạt động có lãi là 12 chiếc; 27 chiếc hòa vốn; số tàu báo cáo hoạt động bị thua lỗ là 76 chiếc. Đáng nói, nhóm tàu duy trì được hoạt động thường xuyên bảo đảm có lãi và huề vốn chủ yếu là tàu cá vỏ gỗ khai thác thủy sản bằng các nghề câu, mành chụp, chủ tàu có nhiều kinh nghiệm và năng lực tài chính. Nhóm tàu cá vỏ thép và vật liệu mới (composite) hầu hết đều hoạt động kém hiệu quả; ngoài một số ít tàu làm nghề khai thác hải sản (mành chụp) còn đa số làm nghề dịch vụ thủy sản hiện hoạt động kém hiệu quả và đang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức kinh doanh. Nhiều chủ tàu 67 đang neo đậu tại Cảng cá Phú Hài (Phan Thiết) cho hay, tàu hoạt động không hiệu quả, ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ, nhất là những tàu cá khai thác đánh bắt thua lỗ liên tục gần như không có khả năng trả nợ ngân hàng, tàu nằm bến ngừng hoạt động và chưa biết khi nào mới trở lại biển. Một vài ngư dân chia sẻ, ngư trường đánh bắt ngày càng khan hiếm, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi, chi phí xăng dầu, trả công cho lao động biển cao khiến nhiều chủ tàu bị thua lỗ, phải nằm bờ dài ngày ảnh hưởng đến việc thực hiện chi trả vốn ngân hàng.
Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 5 năm (2014 – 2019) thực hiện Nghị định số 67 ngày 18/11 vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Bộ NN&PTNT nên phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có quy định, hướng dẫn thực hiện nhanh chóng việc chuyển đổi chủ đầu tư đối với chủ tàu để tàu cá nằm bờ không có khả năng hoạt động nhằm tránh tình trạng để tài sản đầu tư bị mất mát, xuống cấp làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển thủy sản của địa phương. Đối với các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tình hình thời tiết ngư trường mùa vụ bất lợi, Bộ xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép được cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67.
>> Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, những tháng còn lại của năm 2019, Sở tiếp tục theo dõi tình hình khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo (giã cào) trên vùng biển tỉnh Bình Thuận. |
Vân Anh