Đã nhiều tháng nay người dân nuôi cá lồng trên sông Lô thuộc huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) luôn thường trực nỗi lo cá chết do sông Lô bị ô nhiễm. Đã có nhiều hộ mất trắng, thậm chí thua lỗ phải tháo dỡ bỏ lồng cá để bán sắt vụn.
Cứ vài ngày bà Nguyễn Thị Dụ và con trai lại đến nhà văn hóa thôn 10 xã Hữu Đô, nơi gia đình bà để nhờ hai lồng nuôi cá bằng sắt để sơn lại cho lồng cá không bị hoen gỉ. Đây cũng chính là hai trong bảy lồng cá của gia đình còn giữ lại để chờ thời cơ tiếp tục nuôi cá lồng. Còn năm lồng bà đã cho tháo dỡ để bán sắt vụn.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dụ cho biết, để có được một lồng cá gia đình phải bỏ ra gần 10 triệu tiền mua sắt và thuê người làm lồng, nhưng khi phá dỡ ra bán chỉ được hơn một triệu đồng. Công sức bỏ ra làm lồng nuôi cá không tiếc bằng bao nhiêu vốn liếng, công chăm sóc bỏ ra nhưng khi gần thu hoạch thì cá chết hàng loạt khiến gia đình thua lỗ nhiều.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, trưởng thôn 10 xã Hữu Đô cho biết, nghề nuôi cá lồng ở xã rất phát triển, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu từ cá lồng. Trước đây cả thôn có khoảng 20 lồng cá lồng, nhiều hộ chỉ nuôi từ hai đến ba năm mà đời sống của bà con ở đây được cải thiện đáng kể. Bà con ở đây chủ yếu nuôi cá chiên bán với giá khoảng 400.000 đồng/kg, mỗi lồng nuôi từ 80 đến 100 con chưa đầy một năm thu được mỗi lồng hơn 100 triệu đồng trừ chi phí vẫn thu lãi 50 triệu đồng/lồng.
Người nuôi cá lồng ở Đoan Hùng đã lo lắng do sông Lô ngày càng ô nhiễm.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuối năm 2012 dòng nước sông Lô bỗng nhiên bốc mùi hôi thối khiến hàng nghìn con cá vừa đến kỳ thu hoạch chết nổi bụng không bán được, người dân làng chài thôn 10 xã Hữu Đô lâm vào cảnh trắng tay.
Khi sự việc xảy ra, chúng tôi có báo cáo với cơ quan chức năng về lấy mẫu nước nhưng chưa có ai trả lời nước bị ô nhiễm nặng hay nhẹ, cá có bị chết không, nên dù dự án cá lồng được nhà nước hỗ trợ chúng tôi vẫn chưa dám nuôi.
Theo nhiều người dân sống hai bên bờ sông Lô, nguyên nhân gây ra ô nhiễm nước sông Lô rất có thể là do phía thượng nguồn có Nhà máy sản xuất giấy An Hòa công suất 130.000 tấn bột giấy/năm mỗi ngày đơn vị này xả ra môi trường 7.500 m3 nước thải. Thanh tra của Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đã kiểm tra tại Nhà máy giấy An Hòa và phát hiện nguồn nước thải đã qua xử lý chảy ra sông Lô nhưng vẫn còn ô nhiễm. Nhất là vào thời điểm khô hạn, nước từ thượng nguồn chảy về ít, dòng nước xuống thấp khiến độc tố trong nước sẽ đậm đặc hơn nguy cơ ô nhiễm càng cao.
Nếu vấn đề này không được giải quyết triệt để thì dự án phát triển cá lồng sông Lô tiếp tục bị đe dọa. Đây cũng không phải nỗi lo của người dân xã Hữu Đô mà là nỗi lo thường trực của không ít người dân tại các địa phương khác.
Theo UBND huyện Đoan Hùng, trong những năm qua, huyện đã phát huy tốt lợi thế nguồn nước sông Lô để khuyến khích phát triển cá lồng. Từ nghề này, nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Năm 2014 toàn huyện có gần 50 lồng cá của bà con cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện cũng đã chỉ đạo các xã khác phát huy lợi thế để nhân rộng mô hình và phấn đấu trong năm 2015 toàn huyện sẽ có khoảng 80 lồng cá được nuôi trên sông Lô. Tuy nhiên, khi dự án đang phát triển tốt thì nước sông Lô lại xảy ra tình trạng ô nhiễm khiến người dân hoang mang, dự án có nguy cơ phải bỏ dở.
Ông Nguyễn Đức Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Đoan Hùng cho biết: Việc nước sông Lô ô nhiễm đã làm Dự án nuôi cá lồng gần như phá sản. Huyện cũng đã cử các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nhưng do vượt quá thẩm quyền của huyện nên chúng tôi cũng đành chờ các cơ quan chức năng của tỉnh, T.Ư sớm có biện pháp khắc phục trả lời sớm cho nhân dân. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì dự án nuôi cá lồng hàng tỷ đồng của huyện Đoan Hùng khó thành công, hơn thế nữa sức khỏe của hàng vạn cư dân vùng hạ du sông Lô cũng tiếp tục bị ảnh hưởng…