Còn hơn tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, một số loại cá nước ngọt, nước lợ tại Cà Mau lại đối mặt với tình trạng rớt giá… Thê thảm nhất là hai loài thủy sản nước lợ đang được nhà nông nuôi phổ biến là: cá chình và cá bống tượng.
“Héo ruột”… chờ giá
Dân trong nghề nuôi cá chình, bống tượng hầu như biết rành về ông Chín Hận (Huỳnh Văn Hận), một trong những hộ tiên phong, thâm niên nuôi cá chình ngay từ khi mô hình nuôi này mới nhen nhóm tại Tân Thành (TP Cà Mau). Từ vài ao nuôi nhỏ lẻ ban đầu, sau hơn 20 năm gắn bó trong nghề, ông Chín phát triển gần hết quỹ đất của nhà mình để nuôi cá chình, bống tượng theo hình thức trang trại, rộng hơn 3ha với trên 50 ao cá. Gắn bó ngần ấy thời gian, thành công có thừa, thất bại cũng không ít, ông Chín đúc kết cho mình khá nhiều kinh nghiệm để nuôi hai loài thủy sản này lớn nhanh, ít bệnh tật. Song, có một điều từ trước giờ ông chưa từng định đoạt được là đầu ra cho đàn cá. Bởi mỗi khi thu hoạch, cá được bán cho thương lái, giá cả thế nào đều do họ định đoạt. Trong năm 2012, ông Chín tiếp tục duy trì diện tích và số ao nuôi như trước. Cá hiện đến ngày thu hoạch nhưng ông chỉ bán cầm chừng. Nhìn số cá đủ trọng lượng để xuất bán nhưng còn neo lại ao, ông Chín than vãn: “Giá cá rớt thấp quá nên tôi chỉ bán trước vài ao rồi ngưng, lấy tiền mua mồi để cho cá ăn chờ giá nhích lên. Với giá như hiện nay, thu hoạch hết coi như không có lời, bỏ công!”. Là nơi khởi phát phong trào và cũng là địa phương có diện tích nuôi cá chình, bống tượng lớn nhất tỉnh, đến nay, xã Tân Thành có trên 236ha nuôi hai đối tượng này với 1.422 hộ. Dù cá đến kỳ thu hoạch nhưng trên 50% hộ nuôi “neo” ao chờ giá. Trong HTX Tân Thành Tiến (ấp 3) ngoài ông Chín Hận (Chủ nhiệm HTX) còn 14 xã viên khác như hộ chú Sáu Khải, hộ ông Tư Phương, hộ ông Hai Thành… cũng cùng chung tình cảnh.
Nhà nông nuôi cá bổi công nghiệp thu hoạch rộ ngay lúc rớt giá, làm khô bán trong dịp Tết kiếm thêm lợi nhuận.
Không riêng gì Tân Thành, nhà nông nuôi cá chình, bống tượng ở các huyện vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau cũng đang “héo ruột” vì tự dưng giá cá xuống thấp. Hơn 12 năm gắn bó trong nghề, ông Nguyễn Quốc Phòng, ấp Bến Gỗ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình phát triển nuôi 33 ao cá chình, bống tượng với tổng diện tích trên 3 ha, mỗi năm thu lời trên nửa tỉ đồng, vậy mà, hiện nay nói đến nuôi cá chình, cá bống tượng, ông Phòng ngao ngán: “Hồi năm 2009, giá cá chình, bống tượng cũng giảm nhưng không phải ngay vào dịp cận Tết như hiện nay. Gần Tết nhứt rồi vậy mà cá nuôi của tụi tôi không tăng giá mà còn tuột thê thảm. Nếu bán hết tại thời điểm này, lợi nhuận giảm hơn phân nửa so với trước. Nhà nông chỉ biết chăm bẵm sao cho cá chóng lớn chứ giá toàn do người mua định đoạt hết. Mất lòng họ là ế hàng liền, có khi họ giận lẫy không mua luôn. Giờ tôi chỉ cho cá ăn cầm chừng, đợi được lúc nào hay lúc ấy”.
Cung – cầu mất cân đối
Khởi phát từ xã Tân Thành, nghề nuôi cá chình, bống tượng dần lan rộng sang các vùng khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.000ha nuôi hai loài thủy sản nước lợ này với hàng ngàn hộ nuôi, năng suất bình quân khoảng 2,5 tấn/ha. Nhiều nhất là TP. Cà Mau (khoảng 3.800 hộ nuôi với gần 900ha, tập trung nhiều ở các xã Tân Thành, An Xuyên và phường Tân Thành. Đây là đối tượng nuôi chủ lực, thu nhập chính của nhà nông các xã ngoại ô này. Như tại xã Tân Thành, vào năm 2000, toàn xã chỉ có trên 70% số hộ cải tạo ao nuôi cá chình, bống tượng. Nhưng số hộ nuôi hai loài thủy sản nước lợ này hiện chiếm trên 97%. Tùy điều kiện về quỹ đất, có hộ nuôi từ 1 đến 2 ao, hộ nuôi nhiều nhất là trên 50 ao. Ông Trần Quang Thum, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho biết: Nhờ ăn nên làm ra từ con cá chình, cá bống tượng mà đời sống nhân dân trong vùng cải thiện qua từng năm. Đến nay, xã chỉ còn 2,93% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đời sống ổn định, bà con tích cực đóng góp vật chất xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần từng bước hoàn thiện tiêu chí xã nông thôn mới. Song, gần đây giá cá tuột giảm, dân trong vùng rất hoang mang, nhiều hộ lo tới mất ăn mất ngủ.
Tìm hiểu được biết, giá cá thương phẩm mua tại ao đối với cá bống tượng hiện tại là 220.000 – 240.000 đồng/kg; cá chình khoảng 450.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm trước, giá cá bống tượng giảm gần phân nửa (420.000-440.000 đồng/kg), cá chình giảm khoảng 100.000đ/kg. Vì lẽ đó, khoảng tháng 10 Âm lịch hàng năm, người nuôi cá chình, bống tượng đã thu hoạch để cải tạo ao, nuôi vụ mới. Nhưng đến thời điểm này, số hộ thu hoạch rất ít hoặc chỉ bán cầm chừng chờ giá nhóng lên. Ông Lê Ngọc Sẻn, hộ nuôi cá chình, bống tượng ở ấp 3, xã Tân Thành, cho biết: “Giá cá xuống thấp nhưng thức ăn cho cá không hề giảm”. Như ông Huỳnh Văn Hận mỗi ngày phải tốn trên một triệu đồng để mua cá mồi. Để có tiền mua cá mồi cho cá bống tượng, cá chình ăn chờ giá lên, nhiều thành viên khác trong HTX Tân Thành Tiến phải thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, lãi suất 14,5%/năm. Vậy mà giá cá chưa thấy khả quan hơn, có chiều hướng giảm nữa.
Theo anh Mộng – một thương lái chuyên thu mua cá chình, bống tượng tại TP Cà Mau, giá cá giảm là do cung vượt cầu. Anh Mộng lý giải, cá chình và cá bống tượng là mặt hàng cao cấp, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Trung Quốc). Hồi đầu nhà nông mới manh nha nuôi, nguồn cung còn ít trong khi họ ăn hàng nhiều, thiếu hàng nên giá cao. Về sau, nhà nông nuôi nhiều, mở rộng diện tích, kinh tế suy thoái, dân nước nhập khẩu thắt chặt “hầu bao”, nguồn cung thừa, giá cá giảm là tất yếu. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Hộ dân nuôi tự phát, rủi ro khó tránh khỏi. Tỉnh vừa bổ sung quy hoạch nghề nuôi thủy sản giai đoạn 2012 – 2015. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có khoảng 3.000ha nuôi cá chình, bống tượng kết hợp. Tỉnh tập trung 3 khâu phải giải quyết, đó là: hỗ trợ vốn cho người nuôi; xây dựng chương trình giống, ưu tiên nhân giống tại chỗ đạt chất lượng cao; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng từ 1-2 nhà máy chế biến cá để xuất khẩu, để nhà nông nuôi cá chình, bống tượng không phải tự bơi tìm đầu ra như trước, giảm rủi ro để có hiệu quả hơn.