Được sự hỗ trợ bằng vốn Chương trình Nông thôn mới, tháng 10/2013, Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Thừa Thiên – Huế triển khai mô hình ương giống cá hồng mỹ trong ao đất phục vụ nuôi cá lồng tại đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, bước đầu kết quả khả quan.
Nhiều lợi thế
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có điều kiện thích hợp phát triển nuôi cá biển và lợ mặn. Đến nay đã có hơn 2.000 lồng nuôi cá nước lợ với sản lượng ước đạt 600 tấn, giá trị ước đạt 60 tỷ đồng/năm. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống (chẽm, mú, hồng, dìa, nâu…) với thị trường tiêu thụ nội địa đã có hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng ven phá.
Cá hồng mỹ (Sciaenops ocellatus) là loài cá sống rộng muối, rộng nhiệt, phân bố ở vịnh Mexicô và vùng duyên hải tây nam nước Mỹ, phạm vi phân bố rộng, khi trưởng thành thường di cư đến vùng cửa sông và vùng biển nông để sinh sản. Cá có thể sống trong nước ngọt, lợ, mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn, kích thước cá thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh. Cá hồng mỹ đã được nuôi từ lâu ở một số địa phương, nhưng ở tỉnh Thừa Thiên – Huế thì mới.
Mô hình được triển khai tại xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), nơi có phong trào nuôi cá nước lợ mạnh của tỉnh. Mô hình thực hiện tại 2 hộ với quy mô ương 1.000 m2. Số lượng giống thả là 6.000 con, kích thước cá giống 5 – 6 cm. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống; 50% thức ăn và các vật tư, thiết bị khác. Kinh phí còn lại do các hộ tự đối ứng. Ngoài ra, các hộ được tập huấn về quy trình kỹ thuật ương nuôi cá từ khâu kỹ thuật cải tạo ao, chăm sóc, phòng trị bệnh. Sau 2 tháng ương, mô hình đã nghiệm thu và thu hoạch, tạo nguồn cung cấp cá giống cho người nuôi cá lồng nước lợ tại vùng đầm phá Tam Giang.
Quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá hồng mỹ – Nguồn: FAO.org
Lợi nhuận cao
Với tỷ lệ sống 82%, kích cỡ thu hoạch 13 – 15 cm, lợi nhuận nuôi cá bình quân hơn 20 triệu đồng trên 1.000 m2 ao ương. Theo ông Phạm Viết Dũng, chủ hộ thực hiện mô hình này, mô hình tận dụng được các ao hồ nhỏ để ương cá, tạo được nguồn giống chủ động cho các hộ nuôi cá lồng trên vùng đầm phá Thừa Thiên – Huế.
Theo kinh nghiệm một số hộ nuôi tại đây, để nuôi cá hồng mỹ đạt hiệu quả kinh tế cao, phải chọn được vị trí nuôi kín gió, tránh được ảnh hưởng của gió bão, độ mặn ổn định, dao động 20 – 25 ppt, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển của cá. Ngoài ra, nguồn thức ăn cá tạp phải dồi dào, chất lượng tốt và giá rẻ hơn nơi khác thì lợi nhuận mới cao.
Hiện, ở nước ta đã cho sinh sản thành công đối tượng này và đã đáp ứng đuợc nhu cầu con giống phục vụ nuôi nội địa. Loài cá này đã được nuôi phổ biến trong lồng bè ở vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là đầu ra cho cá hồng mỹ thương phẩm, thị trường tiêu thụ còn nhỏ lẻ, chỉ bán tại các chợ đầu mối với số lượng không lớn. Hy vọng sự thành công mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn xã và các địa phương lân cận, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi và đảm bảo mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao của Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
>>Hồng mỹ là loài cá biển có tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt thơm ngon nên được ưa chuộng nhiều và được đánh giá là đối tượng tiềm năng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. |