Tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ tại Cà Mau gia tăng cả về phương tiện và dụng cụ khai thác đã làm ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của ngư dân.
Cà Mau là một trong 4 ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước. Bên cạnh việc đánh bắt thủy sản có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao thì sự suy kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ đang là vấn nạn tại địa phương. Nhiều phương tiện đánh bắt ven bờ bằng lưới ba màng, xung điện, mắt lưới nhỏ hơn mức quy định… làm nguồn cá, tôm và các loài thủy sản non bị suy kiệt nghiêm trọng, nhất là vào mùa sinh sản. Ðể khai thác được sản lượng lớn, với phương châm đánh bắt được càng nhiều càng tốt phục vụ mưu sinh, ngư dân sẵn sàng làm các nghề cấm, khai thác trong vùng cấm, sử dụng mắt lưới nhỏ hơn quy định.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 4.666 phương tiện khai thác – Ảnh: Huỳnh Lâm
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Cà Mau, hiện toàn tỉnh có 4.666 phương tiện khai thác; trong đó, công suất dưới 20 CV có 1.352 phương tiện, chiếm 28,97%. Số này tập trung chủ yếu ở các huyện: Trần Văn Thời, Phú Tân, U Minh… đa phần là đẩy te, đáy biển, lưới kéo, câu, lưới rê, ốc mực.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Cà Mau kiến nghị, ngành thủy sản cần đánh giá trữ lượng thủy sản trong vùng biển để định lượng khai thác và bảo tồn, tái tạo. Ðặc biệt, cơ cấu lại các nghề khai thác theo hướng chọn lọc cho phù hợp. Các ngành chức năng cần có định hướng và giải pháp cụ thể tạo công ăn việc làm phù hợp với ngư dân. Phải có cơ chế, chính sách về vốn, nhằm hỗ trợ ngư dân đầu tư nâng cao công suất tàu, giảm dần tàu có công suất nhỏ; hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng để đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt xa bờ và hỗ trợ trong việc ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, chuyển đổi nghề…