Cà Mau: Cua nuôi bệnh chết bất thường do ký sinh trùng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo thông tin phản ánh những ngày qua tại địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển về hiện tượng cua nuôi kết hợp trong vuông tôm bị bệnh và chết bất thường. Ngành chức năng đã lấy mẫu phân tích tìm nguyên nhân cũng như hướng dẫn nông dân khắc phục nạn cua chết để giảm bớt thiệt hại gây ra.

Những ngày qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kết hợp với các Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở xuống kiểm tra và rà soát tình hình cua chết trên địa bàn các xã, thị trấn thì cua có hiện tượng chết rải rác từ sau Tết Nguyên Đán năm 2022 đến nay, mức độ thiệt hại khoảng 30 – 100%.

Đây là vụ cua chính năm thứ 2 cùng bị dịch bệnh và gần như thất thu hoàn toàn, ông Nguyễn Thanh Vũ (ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn) cho biết. Theo ông tính toán, lượng cua thả đầu vụ từ tháng 10 âm lịch đến nay gia đình ông thu về không được 10% so với số lượng cua đã thả trong những tháng qua. Ông Vũ cho biết: “Các biểu hiện của cua bệnh như cua chết trên mặt nước, nằm trên mé bờ hay vào cống sổ. Cua được bắt lên bờ không bao lâu thì chết, cua rất mềm, gần như mất thịt toàn thân”.

Theo ghi nhận từ Chi cục chăn nuôi và Thú y, tình hình cua chết tại huyện Đầm Dơi cũng xảy ra trên diện rộng, thiệt hại lớn từ 30 – 100%, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Đầm Dơi Trịnh Minh Thiên cho biết: “Từ Tết Nguyên Đán đến nay, dấu hiệu cua chết bất thường ban đầu ở một số xã ven biển như: Nguyễn Huân, Tân Tiến, Quách Phẩm Bắc có dấu hiệu để trên cạn khoảng 1 giờ cua yếu và chết, cua mềm vỏ, thịt ốp, cua không lớn, màu sắc nhợt nhạt. Đến nay, cua chết bất thường có dấu hiệu lấn sâu vào trong những xã nội địa và chưa có dấu hiệu dừng lại, gây thiệt hại rất lớn cho người nuôi cua”.

Ông Nguyễn Thanh Vũ tại ấp Chống Mỹ A, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn

Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Phân viện nghiên cứu Nam Sông Hậu, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện thành phố tiến hành thu mẫu cua thịt, cua giống, mẫu đất, mẫu nước tại địa bàn các xã xảy ra hiện tượng cua chết để xét nghiệm tìm nguyên nhân và nguồn gốc mầm bệnh gây bệnh chết hàng loạt trên cua. Đồng thời, tại thời điểm lấy mẫu cua chết, ngành chức năng nhận thấy cua từ hình thái bên ngoài có màu sắc bị sậm, thân bị đóng rong, có ký sinh trùng bám khi quan sát trong mang. Những con cua còn sống khi bắt lên quan sát thì thấy thịt ốp, sau vài giờ có hiện tượng yếu dần và chết.

Kết quả dấu hiệu ngoài và giải phẫu ghi nhận trên 29 mẫu cua thu có 2 mẫu cua khỏe và 27 mẫu cua bệnh. Trọng lượng cua từ 43 – 460 g. Cua bệnh có các dấu hiệu chung như: cua có màu sắc tối, một số con bị mảng bám ngoài vỏ, cua hoạt động chậm chạp, rủ chân, nhanh chết sau khi thu. Giải phẫu cho thấy cua bị đen mang từ mức độ nhẹ đến nặng, cơ thịt nhão, một số cơ chuyển màu đỏ hồng nhạt. 100% cua bệnh đều óp thân, bên trong hầu như cơ thịt tiêu biến trên 70%, xoang thân có nhiều nước và có nhiều giáp xác chân tơ trưởng thành ký sinh. Mật độ ký sinh trùng giáp xác chân tơ từ 1 – 17 con/con cua. 

Cua được bắt lên khỏi vuông nuôi chết sau 1 giờ

Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trương Minh Út cho biết: “Qua kết quả phân tích tác nhân gây bệnh trên mẫu cua thu được cho thấy tỷ lệ mẫu cua thu bị nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ: 93,1%. Vi khuẩn Vibrio. parahaemolyticus sp trong gan, cơ chiếm tỷ lệ 83,3 – 88,8% mẫu cua có hiện diện vi khuẩn với mật độ từ 1×103 đến 33×104 CFU/g gan cua”.

Từ kết quả trên, các trạm Chăn nuôi và Thú y trên địa bàn các huyện tích cực tuyên truyền cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện nên thực hiện đúng theo những khuyến cáo của các cơ quan chuyên nhất là quá trình cải tạo, sên vét và xử lý vuông nuôi chưa đảm bảo nên có hiện tượng tích tụ các mầm bệnh trong môi trường nuôi. 

Ông Nguyễn Đức Trung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn cho rằng: “Với nguyên nhân trên, khi gặp điều kiện bất lợi cho đối tượng nuôi thì mầm bệnh sẽ phát triển nhanh. Mật độ thả con giống của các hộ nuôi tương đối cao so với ngành chuyên môn khuyến cáo, cùng sự quản lý, chăm sóc và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa được thường xuyên theo định kỳ như: không sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ, …nên các yếu tố môi trường nuôi thường biến động xấu, nhất là đáy ao bẩn, thiếu thức ăn, từ đó tạo điều kiện choi mầm bệnh tấn công gây thiệt hại cho tôm, cua”.

Để hạn chế tình trạng cua chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo trước mắt người dân nên giữ mực nước ổn định trong vuông nuôi từ 5,5 tấc trên trảng để hạn chế phân tầng nhiệt; định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học 2 lần/tháng và bổ sung phân hữu cơ 1 lần/tháng để làm sạch đáy ao, ổn định môi trường nuôi và tạo chuỗi thức ăn tự nhiên cho đối tượng nuôi tôm và cua. Đối với những vuông nuôi có điều kiện cần phơi đầm từ 3 – 5 ngày, kết hợp bón vôi CaCO3 liều lượng từ 500 – 700 kg/ha để loại bỏ những độc tố trong đáy ao. Đối với những vuông nuôi không có điều kiện phơi thì phải tranh thủ thu hoạch hết số tôm, cua đã bị ảnh hưởng, sau đó áp dụng các biện pháp trên. Đối với thả nuôi mới, nên thả cua nuôi ở mật độ vừa phải 2 – 3 con/m2 đối với tôm sú và 0,2 – 0,5 con/m2 đối với cua, thời gian thả nuôi lần sau từ 1,5 – 2 tháng. 

>> Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, trong 3 năm gần đây, tình hình bệnh trên cua xuất hiện ngày càng nhiều. Năm 2021 diện tích bệnh trên cua tăng đột biến, theo thống kê diện tích gây thiệt hại cho bà con nuôi cua với hơn 20.000 ha chủ yếu tại các huyện ven biển Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Phú Tân do ký sinh trùng giáp xác chân tơ gây ra. 

Diệu Lữ 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!