Cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) được nạo vét đưa vào sử dụng cuối năm 2018, tuy nhiên đến nay, cửa biển này lại bị bồi lấp. Các phương tiện ra vào cửa biển phải tốn chi phí lai dắt và đã có phương tiện bị mắc cạn, chìm.
Dự án nạo vét cửa biển Khánh Hội nằm trong dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tàu cá kết hợp bến cá Khánh Hội do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng mức vốn trên 134 tỷ đồng.
Hạng mục rất quan trọng của dự án là nạo vét luồng tàu dài 4,5 km. Gói thầu này do Công ty Xây dựng công trình Hồng Lâm thi công từ tháng 10/2016 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018.
Dù mới đưa vào sử dụng chưa đến một năm nhưng hiện nay cửa biển Khánh Hội đã bị bồi lấp, làm cho các tàu, thuyền đi lại khu vực khó khăn. Người dân phải tốn nhiều chi phí thuê mướn phương tiện để lai dắt mỗi khi ra vào cửa biển.
Ông Châu Minh Đảm, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh cho biết: Đơn vị thi công nạo vét cửa biển Khánh Hội đưa phương tiện vào lấy bùn nạo vét, đổ lên sà lan, rồi đưa vào cặp mé biển đổ xuống, sau đó mới dùng xáng thổi bùn vào bãi tập kết. Có thể do bãi bùn đơn vị thi công thổi đi không hết đã chảy tràn ra tạo rãnh, luồng gây bồi lấn bãi cửa biển.
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Cà Mau đã phạt vi phạm hành chính 25 triệu đồng đối với đơn vị thi công vì chỉ đưa các tàu hút bùn có công suất nhỏ, không đúng kết quả trúng thầu.
Theo người dân sống tại cửa biển Khánh Hội, cửa biển bị bồi lấp đã khiến việc mua bán, trao đổi hàng hóa gặp nhiều khó khăn hơn, chi phí cũng vì thế tăng cao. Gần đây nhất vào ngày 3/9, một tàu thu mua của ngư dân đã mắc cạn, bị chìm gây thiệt hại tài sản.
Khánh Hội là cửa biển lớn chỉ sau cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), giữ vai trò quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Hiện cửa biển Khánh Hội có hơn 375 tàu cá đăng ký và hơn 500 phương tiện xuồng máy hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều tàu thuyền của các tỉnh lân cận ra vào cửa biển.
Huỳnh Anh
Theo Vietnamplus