Cà Mau: Dịch bệnh tôm tăng nhanh

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay đang bước vào giai đoạn đỉnh của mùa khô, mực nước xuống thấp, các địa phương chuyên nuôi tôm tại ĐBSCL như Cà Mau, Bạc Liêu nông dân gặp khó khăn do thiếu nguồn nước sạch. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh trên tôm phát triển nhanh.

Ông Đặng Văn Tuấn ở ấp Nhà Phấn Gốc, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước cho biết, vụ nuôi vừa qua, TTCT đang nuôi thuận lợi, được hơn 50 ngày thì tôm bỗng nổi đầu, bỏ ăn sau đó chết ngày càng nhiều. Ngay sau đó ông phải lên hầm nuôi 2.000 m² nhà mình. Theo ông Tuấn, tuy tôm nhỏ, giá thấp nhưng cũng thu lại được tiền thức ăn, thuốc và các khoản chi phí phụ, lỗ không đáng kể. Nhiều người nuôi trong địa phương tôm mới được 20 – 30 ngày chết như ngả rạ, gần như mất cả chì lẫn chài.

Không riêng ở Cái Nước, hầu như các huyện nuôi tôm công nghiệp tập trung của Cà Mau như Đầm Dơi, Phú Tân… người nuôi tôm cũng đang rất lo lắng trước tình hình tôm công nghiệp nhiễm bệnh tăng nhanh.

Người nuôi tận dụng thời gian diễn ra dịch bệnh trên tôm để cải tạo ao đầm – Ảnh: Diệu Lữ

Ông Nguyễn Văn Thoái, ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân mới bắt tay vào nuôi tôm công nghiệp được vụ đầu đã phải nhận trái đắng. Tôm nuôi được hơn 20 ngày thì bắt đầu chết, ông mất trắng mấy trăm triệu đầu tư.

Ông Thoái cho biết, theo kỹ thuật viên hỗ trợ cho tôi thì tôm chết do ngộ độc đáy. Nguyên nhân xuất phát từ môi trường. Thực trạng tại địa phương, nước các kênh rạch đã cạn gần tới đáy, nguồn nước ô nhiễm hơn, nên tôm rất dễ bệnh. Đến thời điểm thay nước cho tôm, ông không dám thay toàn bộ chỉ bơm bớt nước ra, rồi thêm vào nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Theo người nuôi địa phương, nguồn nước vốn đã bị ô nhiễm khá nặng do vùng này đang phát triển nuôi tôm công nghiệp rất mạnh, ý thức người nuôi lại chưa cao. Hễ bị dịch bệnh thì nơi duy nhất họ tỏa tán nguồn nước ao khi cải tạo là dòng sông gần nhất, nguồn bệnh cứ thế phát tán ra môi trường, làm ảnh hưởng tới nhiều hộ nuôi trong vùng. Hiện nay, nhiều hộ đã thất bại không dám đầu tư nuôi lại.

Ông Tiết Tiến Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đang có chiều hướng tăng hơn năm trước, toàn tỉnh có 121 ha tôm bị nhiễm bệnh (đốm trắng 19 ha, hoại tử gan tụy 63 ha, khác 39 ha). Trong đó, chỉ riêng tháng 2 có 87 ha tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh, tăng 52 ha so với tháng trước.

“Tỉnh đã xuất 15 tấn Chlorine để hỗ trợ xử lý dịch bệnh. Đang trong giai đoạn khốc liệt mùa khô và sắp tới là thời điểm giao mùa, thời tiết rất phức tạp. Người nuôi nên thận trọng khi tiến hành nuôi và nên thường xuyên cập nhật thông tin, các ngành chức năng sẽ có lịch thời vụ và những khuyến cáo cần thiết cho bà con” – ông Dũng nói.

>> Mấy năm trở lại đây, tình hình nuôi tôm công nghiệp tại đất Mũi (Cà Mau, Bạc Liêu) phá triển mạnh. Diện tích nuôi tôm công nghiệp của Bạc Liêu hiện đã đạt 15.000 ha, còn tại Cà Mau là 8.194 ha.

Hải Đăng - Nguyễn Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!