Trong các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu, con tôm luôn là thế mạnh của Cà Mau. Những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao, người nuôi tôm phấn khởi và tích cực đầu tư vào sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mô hình nuôi tôm bền vững như quảng canh cải tiến (QCCT), nuôi tôm sinh thái (NTST).
Dù được kỳ vọng vào mô hình nuôi tôm công nghiệp (NTCN) bởi đem lại sản lượng lớn cho xuất khẩu, nhưng trong giai đoạn hiện nay, khi con tôm đang đứng trước ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu thì mô hình nuôi tôm QCCT được xác định là mục tiêu trọng tâm và lâu dài được nhiều người dân áp dụng.
Mô hình bền vững
Ông Nguyễn Nam Dương, ấp Nam Chánh, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, phấn khởi: “Đã gần 20 năm nuôi tôm, nhưng chỉ 2 năm nay, khi chuyển sang hình thức nuôi tôm QCCT tôi mới thật sự vững tin về hiệu quả của nghề này. Thay vì chỉ lãi 60 – 70 triệu đồng/2,9 ha/năm như trước đây, thì hiện nay, với mô hình nuôi tôm QCCT gia đình thu về từ 160 – 170 triệu đồng/năm cũng diện tích đó”.
Nuôi tôm sinh thái ở huyện Ngọc Hiển – Ảnh: Quang Minh
Hiện nay, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 40.000 ha nuôi tôm QCCT, tập trung ở các huyện: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân và một phần TP Cà Mau.
Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, cho biết, khi bắt đầu có chủ trương chuyển dịch từ trồng lúa sang nuôi tôm, hầu hết người dân đều tự mò mẫm làm và đúc kết kinh nghiệm sản xuất. Thiếu những kiến thức cơ bản về kỹ thuật đã khiến không ít hộ gặp thiệt hại, nhất là những hộ NTCN.
Mô hình nuôi tôm QCCT trong 2 năm qua đã từng bước đem lại hiệu quả cho người nuôi, giảm chi phí, rủi ro, tăng lợi nhuận. Đây cũng là bước đệm quan trọng làm nền tảng bền vững cho những hộ tiến tới mô hình NTCN.
Theo thống kê, hiện năng suất tôm QCCT toàn tỉnh đạt bình quân 700 – 800 kg/ha, gấp đôi năng suất tôm nuôi quảng canh truyền thống. Mô hình nuôi này phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, thích ứng với khả năng, trình độ sản xuất và nguồn vốn của người dân.
Bởi nuôi tôm QCCT không đòi hỏi kỹ thuật cao như NTCN, mật độ vừa phải (4 – 8 con/m2 thay vì tôm công nghiệp lên đến 60 – 100 con/m2). Đặc biệt, có thể quản lý tốt môi trường nước, khâu chăm sóc, hạn chế tối đa dịch bệnh trong môi trường thiên nhiên luôn biến đổi như hiện nay.
Lợi ích kép từ rừng – tôm
Bên cạnh hiệu quả việc nuôi tôm QCCT mang lại, mô hình NTST này cũng góp phần khá quan trọng vào ổn định sản xuất, tăng giá trị xuất khẩu cho con tôm, được tổ chức quốc tế chứng nhận tôm sạch.
Triển khai gần 10 năm nay, dự án NTST tại Lâm ngư trường 184 (nay thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hiển) do Đại sứ quán Thuỵ Sĩ làm chủ đầu tư đã mang lại kết quả khả quan và mở ra nhiều cơ hội cho cư dân sống dưới tán rừng.
Theo mô hình, con tôm hoàn toàn được nuôi trong điều kiện tự nhiên, bảo đảm chất lượng tôm sạch. Những trảng rừng xen kẽ các mương là nơi cư trú rất lý tưởng cho con tôm phát triển.
Nuôi tôm sinh thái ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn – Ảnh: Nhật Huy
Đặc biệt, nguồn lá cây rụng xuống là thức ăn tự nhiên hữu ích, đồng thời có thể bảo vệ được môi trường sinh thái rừng. Với những kết quả đạt được, năm 2013, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú nhân rộng mô hình với diện tích gần 2.700 ha của 741 hộ dân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưn Miên, huyện Ngọc Hiển.
Ông Tạ Minh Mẫn, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưn Miên, phấn khởi: “Trước đây, với tập quán nuôi tôm truyền thống, năng suất đạt thấp, chỉ từ 250 – 300 kg/ha/năm. Hiện nay, mô hình NTST này không chỉ đem lại lợi nhuận tối đa cho con tôm, khi doanh nghiệp thu mua giá cao hơn giá thị trường 10%.
Theo đó, mỗi năm diện tích rừng sẽ được phục hồi cả 100 ha do yêu cầu điều kiện nuôi phải tuân thủ quy định 60% rừng – 40% tôm/tổng diện tích. Lợi ích kép mà mô hình mang lại góp phần rất lớn vào sự bền vững của con tôm lẫn môi trường sinh thái rừng ngập mặn”.
Ông Lương Bá Truyền, ấp Kinh Ráng, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, có diện tích hơn 4 ha được phủ xanh rừng từ 15 tháng qua, tự tin, khoe: “Tham gia mô hình, ngoài thu nhập cao từ 85% cây rừng khi thu hoạch, còn đem lại lợi nhuận cao từ con tôm bởi sự hỗ trợ nhiều về vốn, chi phí lẫn kỹ thuật và đầu ra. Đây là điều đáng mừng cho bà con sống dưới tán rừng”.