Với lợi thế có 3 mặt giáp biển, nghề khai thác hải sản tại Cà Mau thu hút đông đảo các phương tiện hành nghề, góp phần quan trọng vào kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để hướng tới một nghề cá hiện đại, có trách nhiệm, Cà Mau đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và đồng bộ.
Với quyết tâm cao, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các vi phạm của lực lượng chức năng, Cà Mau là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Nhờ đó, trong năm 2018, tình hình ngư dân Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt, trong năm 2019, tình hình trên biển đã được kiểm soát hoàn toàn đối với những tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trung tâm điều hành giám sát hành trình tàu cá được UBND tỉnh giao cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau quản lý, vận hành. Từ Trung tâm giám sát tàu cá, với 2 màn hình 55 inches kết nối hệ thống máy tính, cán bộ trung tâm sẽ nhận biết tất cả tín hiệu tàu cá, cả số đang hành trình và neo đậu. Muốn kiểm tra bất cứ tàu cá nào, dù đang cách nhau hàng trăm hải lý, nhưng chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông số như ký hiệu, tải trọng, tên thuyền trưởng, chủ phương tiện, địa chỉ, số điện thoại… đều hiện rõ trên màn hình. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có trên 1.000 phương tiện thuộc diện bắt buộc đã lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá.
Biên phòng Cà Mau tuần tra, bảo vệ và giám sát chặt việc khai thác hải sản trên biển – Ảnh: T.N
“Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy, hải sản. Qua đó, hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản”, Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau cho biết.
Một chủ tàu tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Trước đây giao tàu cho thuyền trưởng, ra biển rồi thì mình không biết tàu đang ở đâu, thuyền trưởng nói ở đâu, mình biết ở đó. Bây giờ, ngồi ở nhà, chỉ cần cầm điện thoại di động là biết tàu của mình đang ở vị trí nào, hoạt động hay không hoạt động. Nếu tàu ra gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài là có tín hiệu báo ngay, hoặc mấy chú ở đồn Biên phòng điện cảnh báo ngay cho mình nhắc nhở, kêu gọi tàu quay trở vào. Chỉ tốn vài chục triệu cho việc lắp đặt thiết bị mà giám sát, quản lý được phương tiện vốn là tài sản lớn lên đến hàng tỷ đồng, chúng tôi rất yên tâm”. Ông Lâm Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc cho hay, từ khi triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát, tình hình khai thác của ngư dân trên địa bàn đi vào thế ổn định. Việc phối hợp, hỗ trợ giúp nhau trên biển, đặc biệt là việc tránh, trú bão, thiên tai hiệu quả hơn. Chính quyền địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Biên phòng và ngành nông nghiệp kiên quyết không cho ra khơi đối với phương tiện không đăng kiểm mới khi đã hết hạn, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, ngành sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những phương tiện cố tình không thực hiện đúng theo quy định và đã điều động lực lượng kiểm ngư tăng cường hoạt động trên biển để giám sát chặt chẽ vấn đề trên. Ý thức của ngư dân đã được nâng lên, cả hệ thống chính trị của địa phương đang rất nỗ lực trong quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, góp phần tích cực gỡ “thẻ vàng”, lấy lại “thẻ xanh”, đưa nghề khai thác hải sản của Cà Mau cùng cả nước phát triển ổn định, bền vững hơn.
Trần Nguyên