Ngư dân được giao quyền quản lý hoạt động đánh bắt tại vùng nước cố định ven biển nhằm bảo vệ tốt khu vực sinh sản của tôm, cá, khai thác hợp lý nguồn lợi, đặc biệt là không đánh bắt bằng các hình thức mang tính hủy diệt. Đây là mô hình ngư dân đồng quản lý nghề cá ven bờ đang được tỉnh Cà Mau áp dụng.
Hiệu quả thấy rõ
Mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ được tỉnh Cà Mau triển khai từ năm 2013. Đến nay, Cà Mau có tổng số 7 xã đã xây dựng được mô hình đồng quản lý nghề cá ven bờ. Trong đó, có 2 mô hình thí điểm đã bước vào giai đoạn thực hiện Kế hoạch đồng quản lý (tại xã Khánh Bình Tây Bắc và Đất Mũi); 5 mô hình đã hoàn thành giai đoạn xây dựng Kế hoạch Đồng quản lý và đã nhận được ý kiến không phản đối của Ngân hàng Thế giới (xã Khánh Tiến, Tam Giang Đông, Phú Tân, Nguyễn Việt Khái và TT. Cái Đôi Vàm).
Ông Phan Việt Trung, Tổ trưởng Tổ Ðồng quản lý xã Khánh Bình Tây Bắc cho biết: “Mô hình bước đầu đi vào hoạt động và người dân cũng dần ý thức cao trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ. Ðiều đáng quan tâm nhất là từ khi mô hình Ðồng quản lý được thực hiện, việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác thủy sản cũng giảm rõ rệt”.
Ông Lê Văn Thông, ngư dân ấp Sào Lưới A, cho biết thêm: “Trước đây, mỗi ngày thu về cả tấn cá, giờ 1 ngày chỉ khoảng 100 kg cá, có khi lỗ tiền xăng. Ngư dân địa phương ai cũng muốn có nguồn lợi quanh năm để khai thác, tuy nhiên, nếu không khai thác vào mùa sinh sản thì biết sống bằng nghề gì. Bây giờ thì khác rồi, mô hình đồng quản lý có phần vốn giúp đỡ ngư dân sinh kế những tháng vào mùa sinh sản của cá, tôm. Ngoài ra, còn hướng dẫn mô hình làm ăn để người dân thu lợi nhuận khi mùa mưa bão không đánh bắt được”.
Nhân rộng
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững Cà Mau, số vụ vi phạm giảm so với trước khi thực hiện dự án; Ngư dân giảm dần phương thức đánh bắt hủy diệt; Ý thức về bảo vệ nguồn lợi của người dân được tăng lên… Bên cạnh đó, thông tin cung cấp qua đường dây nóng được tiếp nhận và xử lý: Theo báo cáo đánh giá của Thanh tra Sở NN&PTNT, cho thấy khoảng 30% thông tin qua đường dây nóng tương đối chính xác và khoảng 40% thông tin đường dây nóng được xử lý kịp thời. Thành lập các đội hạt nhân trên biển để giám sát và báo cho cơ quan chức năng các hành vi đánh bắt trái phép trong vùng ĐQL (hoạt động khai thác của nghề lưới kéo đôi, te sử dụng xung điện, lưới kéo ven bờ sử dụng xung điện).
Những kết bước đầu tương đối khả quan, tuy nhiên, về lâu dài, để mô hình thực sự được triển khai một cách rộng khắp thì cần giải quyết một số khó khăn như: nhanh chóng thực hiện khung pháp lý theo Nghị định 33 của Chính phủ để giao diện tích mặt nước cho tổ đồng quản lý. Các ban, ngành, địa phương cần mạnh dạn vào cuộc trong hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện phương án sinh kế, tạo nguồn thu nhập ổn định từ khai thác bền vững.
Bình quân mỗi mô hình được phân bổ khoảng 2,2 tỷ đồng để xây dựng bộ máy quản lý. Tuy nhiên, trình độ dân trí của người dân vùng ven biển còn thấp, dẫn đến việc chuyển đổi, đào tạo nghề trong sinh kế còn gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình còn chậm so với tiến độ. Nhận thức chính quyền cơ sở, người dân chưa cao, dẫn đến tình trạng khai thác trái phép vẫn có cơ hội tái diễn…
>> Trước thực trạng nguồn lợi thuỷ sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, WB (Ngân hàng Thế giới) đã tài trợ 119 triệu USD hỗ trợ 8 tỉnh (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Sóc Trăng và Cà Mau) thực hiện Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD). |