Cà Mau: Khuyến cáo hạn chế tối đa rủi ro cho cua nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian gần đây, tình trạng cua nuôi bất ngờ bị chết bất thường trên diện rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Cà Mau khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và đưa ra những khuyến cáo để hạn chế tối đa rủi ro.

Huyện Năm Căn – nơi được biết đến với vùng nuôi cua lớn và nổi tiếng nhất của Cà Mau, trước tình trạng trên, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đang tích cực nắm tình hình và đưa ra khuyến cáo để giúp người nuôi giảm thiểu tối đa thiệt hại trong vụ nuôi.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau đã có 4.386 hộ nuôi có cua bị bệnh, với diện tích trên 13.128 ha, mức độ thiệt hại bình quân khoảng 52%.

Trước tình hình cua chết hàng loạt, Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu xuống địa bàn thu mẫu, phân tích nguyên nhân cua chết. Trong khi chờ đợi kết luận nguyên nhân cuối cùng thì người dân cần tuân thủ nghiêm khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Nguyễn

Theo ngành chức năng, trong khâu chăm sóc, quản lý thì hầu như bà con khi mua con giống về đều thả trực tiếp xuống vuông, với mật độ thả quá dày. Trong khi đó, quá trình canh tác cũng chưa áp dụng nhiều đến khoa học kỹ thuật, chủ yếu là thả con giống rồi tới vụ bắt theo định kỳ, chỉ thu tỉa, thả bù. Bên cạnh đó, bà con cũng chưa thường xuyên theo dõi, quản lý kịp thời các đối tượng nuôi nên khi có bệnh thì lây lan ra diện rộng rất nhanh. Ngoài ra, trường hợp thay nước theo vụ cũng là điều kiện, cơ hội tạo mầm bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào.

Khuyến cáo người nuôi, trong thời tiết nắng nóng kéo dài, cần nâng và giữ mực nước trên mặt trảng đạt từ 0,4 m trở lên, kết hợp che phủ thực vật từ 30 – 40% trên tổng bề mặt diện tích nuôi, bằng cách trồng cây xanh phân tán hoặc cắm những ụ chà, nhằm mục đích hạn chế biến động nhiệt độ cũng như phân tầng nước và tạo nơi trú ẩn cho đối tượng nuôi.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi diễn biến của đối tượng nuôi, cũng như các yếu tố môi trường thay đổi, dao động để có giải pháp xử lý kịp thời. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, dùng men vi sinh xử lý, làm sạch đáy ao, nhằm ổn định được môi trường nuôi, bổ sung phân hữu cơ để tăng được chuỗi thức ăn ở vuông nuôi, tăng dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, đặc biệt là mật độ thả nuôi cho phù hợp.

Mật độ nuôi khuyến cáo, vụ chính đối với con tôm mật độ từ 20.000 – 30.000 con/ha, nếu có thả vụ phụ thì sau từ 1,5 – 2 tháng, theo đó mật độ nuôi là từ 10.000 – 15.000 con/ha; còn đối với con cua thì thả mật độ từ 1.000 – 2.000 con/ha. Ngoài ra, con giống phải qua giai đoạn ương dưỡng, có kích cỡ lớn nhằm tạo khả năng thích ứng và chịu đựng với môi trường sống tốt hơn.

Trong khi chờ xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp, ngành chức năng đã chủ động cử cán bộ đến nắm tình hình, đồng thời tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người nuôi cần tuân thủ các giải pháp cơ bản, tuân thủ lịch thời vụ. khi có cua chết xảy ra cần nhanh chóng báo về địa phương. Từ đó, xã sẽ cử cán bộ cán bộ chuyên môn xuống nắm tình hình cua chết và kiểm kê số lượng thiệt hại của bà con. Sau đó, hướng dẫn cho bà con vớt cua chết trong vuông, thu gom lại xử lý, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hướng dẫn bà con thu hoạch hết đợt cua này xong thì cần cải tạo ao đầm, lựa chọn những con giống khỏe mạnh để tái thả.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, tình trạng này không chỉ xảy ra tại huyện Năm Căn mà còn tại các huyện khác như Đầm Dơi, Ngọc Hiển với mức độ thiệt hại từ 30 – 100%. UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục để người dân yên tâm sản xuất.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!