Cà Mau: Ngậm ngùi vụ tôm trái vụ

Chưa có đánh giá về bài viết

Mặc dù ngành chức năng đã khuyến cáo các hộ nuôi tôm không thả nuôi tôm trái vụ để cải tạo ao đầm, nhưng người dân ở nhiều địa phương vẫn tiếp tục thả nuôi vụ mới, bất chấp rủi ro dịch bệnh do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Những năm qua, việc thả tôm nuôi trái vụ đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại không ít. Bài học này xem ra nông dân vẫn chưa thấm thía.


Vỡ mộng và vỡ nợ

Năm vừa qua tình trạng tôm nuôi công nghiệp chết trên diện rộng xảy ra ở nhiều địa phương, nhiều nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Điều này một phần bắt nguồn từ việc sau một, hai vụ nuôi thành công bắt đầu mở rộng quy mô nuôi, nuôi nhiều vụ trên năm với ước mơ đổi đời. Thế nhưng, đổi đời đâu không thấy, chỉ thấy tiền bạc cứ không cánh mà bay.

 

Nông dân Phú Tân kiểm tra đầm tôm công nghiệp – Ảnh: Minh Tấn

Ông Ngô Út Mười, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, ngồi trầm tư trên bờ vuông tôm của mình. Ông còn chưa hết thẫn thờ khi vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm đã mất trắng.

Ông ngậm ngùi cho biết: “Đầu tư gần 500 triệu đồng vào 10 đầm tôm công nghiệp, cứ tưởng sẽ thắng lớn, nhưng nuôi chỉ được khoảng một tháng thì tôm bắt đầu bệnh rồi chết cả ao. Bao nhiêu vốn liếng đầu tư coi như mất trắng”.

Được biết, số tiền trên là do vợ chồng ông dành dụm từ những vụ nuôi trước cộng với vốn vay ngân hàng, mượn nợ bà con họ hàng mới có. Ông đã đặt biết bao hy vọng vào con tôm, không ngờ niềm hy vọng đó giờ không chỉ là thất vọng mà còn là nợ nần chồng chất.

Ông Thái Văn Hoà, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm vừa qua ông lỗ hơn 1 tỷ đồng. Vụ tôm năm nay cũng chẳng sáng sủa hơn khi từ đầu vụ đến giờ đã có 2 đầm tôm nuôi công nghiệp bị chết.

Ông Hoà cho biết: “Mấy vụ tôm gần đây bị lỗ liên miên, không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở đây cũng ít ai trúng. Gia đình tôi nhờ tích lũy nhiều năm nên còn ít vốn để làm lại, chứ ở đây nhiều người vỡ nợ vì tôm công nghiệp rồi”.

Nói về chuyện vỡ nợ khi nuôi tôm thì chuyện nhà ông Nguyễn Văn Điệp, xã Trần Thới, huyện Cái Nước, mới thật là bi đát.

Rót chén trà mời khách, ông Điệp chậm rãi cho biết: “Trước đây nuôi tôm quảng canh trúng lắm, kiếm tiền dễ như chơi, nên năm trước tôi quyết định đầu tư mạnh vào đầm tôm nhà mình. Thế nhưng, năm vừa rồi mất trắng, tôm bệnh chết hết, chẳng thu hoạch được gì, tiền gom góp mấy năm trời cũng chẳng còn”.

Minh chứng cho những gì ông nói là căn nhà tường với ước tính ban đầu sẽ xây dựng rất khang trang, thế nhưng giờ chỉ mới xây xong phần thô thì bỏ đó, vì không còn tiền để xây tiếp.


Nuôi tôm trái vụ: nhiều rủi ro

Việc phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm công nghiệp thời gian qua đã dẫn đến nhiều bất cập kể cả trong công tác quy hoạch và quản lý. Dịch bệnh xảy ra thường xuyên, người nuôi tôm bị thiệt hại nặng nhưng diện tích nuôi tôm công nghiệp ngoài quy hoạch cứ ngày một tăng thêm.

Đầm Dơi và Phú Tân là hai huyện có diện tích nuôi tôm công nghiệp tăng nhanh đột biến, dịch bệnh cũng xảy ra nhiều nhất ở hai huyện này.

Ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân, cho biết: “Năm 2010 toàn huyện chỉ có 200 ha nuôi tôm công nghiệp, đến nay đã tăng lên trên 1.000 ha; trong đó có 30-40% diện tích nuôi công nghiệp nằm ngoài quy hoạch”.

Chính từ việc tăng quá nhanh diện tích nuôi công nghiệp trên địa bàn cùng với việc người dân không tuân thủ lịch thời vụ, không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, con giống không bảo đảm chất lượng cộng với thời tiết diễn biến thất thường đã làm dịch bệnh tăng cao. Dịch bệnh làm tôm chết hàng loạt trong năm 2012 trên địa bàn huyện Phú Tân là một bài học cần rút kinh nghiệm.

 

Do tôm chết, nông dân phải chuyển sang thu hoạch phụ phẩm khác trong đầm nuôi.

Ông Trần Minh Nguyên cho biết thêm: “Năm 2012 diện tích tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại ở Phú Tân là trên 300 ha và phần lớn đều rơi vào thời điểm trái vụ, tức trong giai đoạn cải tạo ao đầm, nhưng nông dân vẫn thả nuôi”.

Hiện tại ở huyện Phú Tân diện tích đã thả giống tôm công nghiệp là 583 ha, trong đó có khoảng 100 ha thả mới.

Ông Trần Minh Nguyên cho biết: “Năm nay Phòng NN&PTNT phát hành lịch thời vụ sớm (trước Tết dương lịch) để hướng dẫn và khuyến cáo người dân về thời điểm nên và không nên thả tôm. Thế nhưng, thực tế đã có nhiều hộ đã thả nuôi. Ngành chức năng không thể kiểm soát được”.

Năm vừa qua, vào thời điểm này đã bắt đầu có dịch bệnh làm tôm chết trên địa bàn huyện. Tính đến nay đã có 34,12 ha tôm nuôi công nghiệp của 86 hộ dân bị bệnh, tập trung chủ yếu ở các xã: Tân Hưng Tây 8,38 ha, Phú Tân 8,46 ha, Phú Thuận 4,87 ha…

Nguyên nhân được xác định là do thời tiết bất thường làm cho tôm mất sức đề kháng và người dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.

Theo ngành nông nghiệp, nắng hạn đang diễn biến gay gắt, độ mặn cao, gây bất lợi cho tôm nuôi. Từ đầu năm 2013 đến nay, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán, toàn tỉnh có trên 140 ha ao đầm nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh chết trắng, gây thiệt hại lớn cho người sản xuất.

Các địa phương có diện tích bị thiệt hại nặng là: Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Phú Tân và TP Cà Mau. Tôm nuôi quảng canh cũng chết rải rác với mức độ thiệt hại từ 20-30%. 

Ngành chức năng khuyến cáo: Người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, làm đúng quy trình kỹ thuật, vệ sinh triệt để ao đầm. Những hộ chưa thả thì không nên thả tôm vào thời điểm này mà đợi đến tháng 4 âm lịch”.

Đặng Duẩn

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!