Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa thông báo kết luận thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính 9 doanh nghiệp chế biến thủy sản ở tỉnh Cà Mau hơn 2 tỷ đồng. Hồi tháng 7/2017, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Cà Mau kiểm tra 10 doanh nghiệp, chủ yếu chế biến bột cá, cũng đã phạt hàng trăm triệu đồng. Lý do là các doanh nghiệp xả thải gây hại môi trường và tình trạng này kéo dài đã nhiều năm.
Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đến xử lý nước thải chế biến thủy sản
Thanh tra là xử phạt
Thanh tra của Bộ TN&MT xử phạt 9 doanh nghiệp, chủ yếu vi phạm xả thải nguồn nước vào môi trường, vượt mức quy chuẩn nhiều lần. Doanh nghiệp bị phạt số tiền cao nhất là 750 triệu đồng vì xả thải 2.800 m3/ngày đêm, vượt quy chuẩn nhiều thông số. Doanh nghiệp bị phạt số tiền lớn tiếp theo là 380 và 350 triệu đồng. Danh nghiệp bị phạt ít nhất cũng 30 triệu đồng.
Trong đó, có doanh nghiệp bị phạt vì không thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung và yêu cầu trong kết luận thanh tra về bảo vệ môi trường từ ngày 8/9/2014. Doanh nghiệp này thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và còn ký hợp đồng với đơn vị chưa đáp ứng các điều kiện để lấy, phân tích mẫu trong quá trình lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ.
Bên cạnh xử phạt hành chính, Thanh tra Bộ TN&MT yêu cầu các doanh nghiệp sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, báo cáo kết quả về Bộ TN&MT chậm nhất vào ngày 15/12/2017. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động khắc phục tồn tại của các doanh nghiệp.
Vào tháng 7/2017, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Cà Mau cũng đã qua kiểm tra 10 cơ sở chế biến bột cá tại huyện Trần Văn Thời, xử phạt vi phạm hành chính hàng trăm triệu đồng. Doanh nghiệp bị xử phạt số tiền cao nhất là 60 triệu đồng, thấp nhất 13 triệu đồng. Ngoài xử phạt, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp “sớm khắc phục các hành vi vi phạm”.
Điển hình gây hại môi trường
Khu công nghiệp Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước) có hàng chục xí nghiệp chế biến thủy sản đã trở thành một điển hình gây hại môi trường với những cống xả nước thải đen ngòm. Bởi nằm ở ngã ba sông, nơi hợp lưu 3 con sông lớn là Gành Hào, Mương Điều, kênh xáng Lương Thế Trân nên nguồn nước ô nhiễm từ khu công nghiệp ảnh hưởng cả vùng rộng lớn xung quanh. Một người dân ở đây là ông Phạm Văn Toản cho biết, hơn 200 hộ dân làm đơn tố giác các xí nghiệp chế biến thủy sản xả nước độc hại ra sông rạch, nhưng “chính quyền xử lý qua loa không đâu vào đâu”.
Ô nhiễm nguồn nước từ khu công nghiệp đã lan rộng ra huyện Đầm Dơi và TP Cà Mau. Tháng 7/2017, UBND huyện Đầm Dơi báo cáo 3 tuyến sông Gành Hào, Bảy Háp và Mường Điều thuộc xã Tân Trung nước bị xám đen, bốc mùi hôi thối, cá chết đồng loạt. Sở TN&MT lấy mẫu nước các tuyến sông rạch trên bàn huyện Cái Nước, Đầm Dơi và TP Cà Mau để phân tích, kết quả: 8/11 thông số vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Cửa biển cũng ô nhiễm
Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Cà Mau cho biết: “Cà Mau có 48 nhà máy chế biến thủy sản nằm rải rác trong dân, một số có hệ thống xử lý nước thải nhưng vận hành hay không rất khó kiểm soát. Không có khu công nghiệp riêng cho chế biến thủy sản là bức xúc nhất hiện nay”.
Ô nhiễm từ các nhà máy trút thẳng xuống sông và các dòng sông chảy ra biển, nên nhiều cửa biển mênh mông nay cũng ô nhiễm nặng nề. Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) có hàng chục nhà máy chế biến bột cá đã biến cửa biển lộng gió trong lành này thành nơi tanh hôi. Dọc theo tuyến đường huyết mạch từ thị trấn Trần Văn Thời vào cửa biển thị trấn Sông Đốc, thấy các nhà máy chế biến bột cá giăng ven sông.
Cửa biển này đón nguồn nước chảy suốt vùng U Minh Hạ ngọt ngào, từng đi vào thơ ca nhạc họa, có hơn 30.000 dân, từng là điểm đến của khách du lịch gần xa. Nay đứng đâu cũng nồng nặc mùi tanh hôi, nhiều khu vực muốn ngạt thở.
Chủ khách sạn Lê Trân ở thị trấn Sông Đốc buồn bã: “Khách phương xa đến hay than phiền mùi tanh hôi từ chế biến cá, chúng tôi chẳng biết làm sao. Dân ở lâu đành phải chịu”. Đi lại ở thị trấn sầm uất này, luôn gặp tàu chở cá ươn, cá tạp cập bến, rồi cảnh phơi cá khô với ruồi nhặng từng đàn hòa cùng sương khói phả ra từ các nhà máy chế biến tạo thành một mùi đặc trưng kinh khủng.
Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc than thở: “Ô nhiễm vì lộn xộn, các cơ sở chế biến tôm cá nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nhiều cơ sở phơi và nghiền phụ phẩm thủy sản để làm phân, chỉ có dẹp đi mới mong hết ô nhiễm. Nhưng dẹp đi thì giải quyết cuộc sống người dân như thế nào?”.
>> Khu công nghiệp Hòa Trung rộng chừng 350 ha, hình thành từ việc các doanh nghiệp mua đất, xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và chế biến đầu vỏ tôm. Hiện, 17 nhà máy, trong đó có 5 cái đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì nợ nần. Tất cả các nhà máy nằm xen kẽ khu dân cư, trải dài khoảng 4 cây số, việc xử lý xả thải gây ô nhiễm của từng nhà máy hầu hết không có, xử lý tập trung cũng bế tắc. |