Cà Mau có bờ biển Đông và Tây, chiều dài hơn 250 km, có ngư trường rộng hơn 80.000 km2 là vùng biển cạn, có trữ lượng tôm, cá nhất nhì cả nước. Cà Mau là một trong 4 vùng trọng điểm thủy sản Việt Nam.
Hằng năm, Cà Mau khai thác hơn 200.000 tấn thủy sản (năm 2019, sản lượng khai thác biển đạt 228.000 tấn), trong đó có hơn 10.000 tấn tôm, góp phần xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.
Cà Mau có hơn 5.000 tàu, trong đó có 1.677 tàu khai thác xa bờ, hoạt động khai thác biển diễn ra quanh năm cả mùa Chướng và mùa Nam. Ngư dân Cà Mau luôn có mặt ở nhiều vùng biển trong cả nước, nhất là từ vĩ tuyến 17 trở vào.
Những năm gần đây, thời tiết cực đoan, mưa gió bất thường, nhất là lốc, xoáy, bão, giông thường xuyên; ven bờ, ven sông, ven biển bị xoáy lở, cửa biển bị bồi lắng. Đảo nhỏ không thuận lợi cho việc ẩn, náu khi có sóng to, gió lớn, cửa sông ra biển bị cạn khi triều xuống gây khó khăn cho việc tàu thuyền vào bờ trú ẩn.
Mặc dù, nhiều năm qua các cấp chính quyền và cơ quan chức năng luôn tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành các quy định của Nhà nước, ngành chuyên môn về an toàn lao động trên biển, an toàn thân tàu, an toàn thuyền viên… để đảm bảo tài sản và tính mạng của ngư dân.
Tuy nhiên, thời gian qua tàu cá của ngư dân Cà Mau hư hỏng, không đảm bảo kỹ thuật, trang thiết bị an toàn… bị chìm rất nhiều. Từ năm 2008 đến cuối tháng 2/2020, đã có 104 tàu bị chìm, cháy, gần 100 người chết, mất tích và bị thương, hư hao và mất mát tài sản hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, tại thị trấn Sông Đốc – huyện Trần Văn Thời, 2 tháng đầu năm 2020 có 4 tàu bị cháy.
Thực hiện chủ trương của Quỹ nhân đạo Nghề cá Việt Nam, Quỹ đã hỗ trợ cho ngư dân có tàu bị chìm, cháy, người chết, mất tích và bị thương với số tiền là 226 triệu đồng.