Thời gian qua, mặc dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng tình hình vi phạm cũng như vấn đề an ninh trật tự trên biển còn nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng khai thác không đúng tuyến, tranh giành ngư trường khai thác giữa ngư dân các địa phương vẫn diễn ra thường xuyên.
Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT, qua 2 đợt tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Tây Nam phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm về khai thác, xử phạt hành chính với số tiền trên 145 triệu đồng. Ðối tượng vi phạm chủ yếu là tàu cá ngoài tỉnh (Kiên Giang, Bến Tre). Các phương tiện này trang bị máy công suất lớn, cải tiến hộp số, mang ngư cụ, lưới có diện tích tiếp xúc lớn mang tính chất tận diệt. Một số phương tiện không đăng ký, không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn, ra vào cửa không ai kiểm soát, hoạt động ngang nhiên tại các khu vực cấm. Những đối tượng này thường ở các cửa sông không có trạm biên phòng như: Cái Cám, Mỹ Bình, Ba Tỉnh…
Ba không
Trong đợt tham gia đoàn kiểm tra liên ngành trên vùng biển Tây Nam, khi tàu của đoàn kiểm tra vừa mới ra khỏi cửa biển Sông Ðốc đã phát hiện rất nhiều tàu nhỏ hành nghề cào ngang nhiên hoạt động nhưng không có biển số tàu, không hề có bất cứ giấy tờ đăng kiểm nào. Ông Nguyễn Văn Triều, một trong những đối tượng bị lực lượng kiểm tra phát hiện, khi được hỏi, cho biết: “Nhà nghèo, làm nghề cào đã lâu, tàu có đăng kiểm rồi nhưng không mang giấy tờ theo, do không để ý nên cũng không nhớ số tàu”.
Phương tiện tàu cá hoạt động vi phạm quy định bị lực lượng chức năng phát hiện tại cửa biển Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời.
Tương tự anh Nguyễn Văn Tâm cũng “thật thà” nói: “Tàu tôi có đăng ký, nhưng khi ra biển hoạt động quên không mang theo, số tàu thì tôi tính hay quên trước quên sau, mà tàu thì đăng ký lâu nên không còn nhớ số”. Cả 2 đối tượng trên đều ở cửa Mỹ Bình (huyện Phú Tân) nhưng cũng thường xuyên qua cửa Sông Ðốc hành nghề.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Diệp Hoàng Ân cho biết: “Qua công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển đã nắm lại toàn bộ tình hình khai thác vùng ven bờ, phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vi phạm như không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép hoạt động. Người điều khiển phương tiện thì không có chứng chỉ hành nghề, nói chung là… 3 không”.
Các đối tượng vi phạm dạng trên đều sống ở gần các cửa sông, họ hoạt động ngang nhiên tại các khu vực cấm, tại các cửa sông, là phương tiện nhỏ hành nghề đẩy te, xiệt, sử dụng máy có công suất lớn. Vấn đề này theo phân cấp quản lý là thuộc trách nhiệm của địa phương (phương tiện dưới 20 CV) nhưng hầu như địa phương không nắm và phát hiện kịp thời. Tại các cửa biển có trạm kiểm soát biên phòng tình trạng vi phạm tương tự cũng diễn ra.
Chẳng hạn, nhiều phương tiện không đăng ký, không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn… nhưng vẫn có thể ra vào cửa biển, thậm chí hoạt động ngay gần trạm kiểm soát biên phòng. Có trường hợp hoạt động cách Trạm Biên phòng Sông Ðốc chưa đến 1 km. Vấn đề này chúng ta cần xem xét lại công tác quản lý để tham mưu với UBND tỉnh chấn chỉnh kịp thời, nhất là công tác quản lý tàu có công suất dưới 20 CV của các địa phương. Thực chất những ghe te, xiệt, cào không đăng ký nhưng lại sử dụng các cách khai thác mang tính hủy diệt như cào điện, xung điện…”.
Cần chấn chỉnh kịp thời
Bên cạnh những vi phạm trong quản lý, một vấn đề phát sinh gần đây là tranh chấp trên biển giữa các chủ phương tiện do xung đột quyền lợi, tranh giành ngư trường làm cho tình hình an ninh, trật tự trên biển chưa ổn định, nhất là tại các khu vực khai thác mực tua và hành nghề ốc mực của ngư dân Cà Mau và ghe cào tỉnh Kiên Giang. Ông Ân cho biết, những năm qua, nhiều vụ tranh chấp ngư trường giữa ghe cào của Kiên Giang với ngư dân Cà Mau hành nghề bẫy mực bằng ốc làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trên biển. Từ đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh… điều tra làm rõ nguyên nhân.
Thực tế, theo báo cáo xác minh của một số đơn vị, trường hợp tranh chấp là có thật, nguyên nhân là giành ngư trường để khai thác, hoặc chiếm ngư trường rồi cho thuê lại, từ đó dẫn đến xung đột. Vấn đề này, trong thời gian tới, giữa hai địa phương Cà Mau và Kiên Giang sẽ có cuộc làm việc, xử lý tình trạng tranh chấp ngư trường cũng như tình trạng tàu cá Kiên Giang thường xuyên vi phạm, hoạt động sai tuyến theo Nghị định 33/2010/NÐ-CP của Chính phủ.
Bên cạnh việc thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an ninh trên biển, vấn đề tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng được tỉnh triển khai quyết liệt. Chủ trương của tỉnh là thực hiện các biện pháp tái tạo nguồn lợi, phối hợp với nước ngoài như Thái Lan thả những rạn san hô, nhà cá nhân tạo để tái tạo nguồn lợi. Một mặt tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các chương trình, đề án, dự án, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới vào khai thác để giảm thiểu tính thiệt hại, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân.
Ðồng thời, tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn các hình thức, hành vi khai thác mang tính hủy diệt, tận diệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hiện tại lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã hoàn chỉnh về mặt tổ chức, công cụ, phương tiện… đảm bảo sẽ kiểm soát được toàn bộ vùng biển của tỉnh. Thông qua đó, phối hợp với Kiểm ngư Vùng 5, tuần tra, kiểm soát trên tuyến khơi, phối hợp với lực lượng cảnh sát biển, hải quân, tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát vùng biên giới để ngăn tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Cà Mau cũng như tàu cá của Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các công trình, dự án nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản của tỉnh. Các dự án Chi cục Thuỷ sản đang triển khai trong năm như: Dự án Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Dự án Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất gắn với quản lý cộng đồng để bảo vệ nguồn lợi và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân thông qua hình thức khuyến ngư. Trong đó, có việc triển khai mô hình khai thác nghề lưới ghẹ tại xã Tân Hải, huyện Phú Tân, triển khai mô hình khai thác và ươm cá kèo giống tại xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi.
Ngoài ra, tỉnh còn phối hợp với Trường Ðại học Cần Thơ chuyển giao quy trình sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá dầy tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời. Phối hợp với Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam chuyển giao quy trình sinh sản giống nhân tạo và nuôi thương phẩm cá mú tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển.
“Nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các đơn vị trong quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chúng tôi đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện quản lý chặt số tàu nhỏ, te, xiệc… trên địa bàn của mình. Lực lượng biên phòng cần kiên quyết không cho ra vào cửa các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm”, ông Ân thông tin./.