T2, 06/07/2020 12:05

Cà Mau: Tàu 67 đầu tiên vươn khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Ba trong số 98 hộ ngư dân thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, được xét duyệt cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 67) đã cho tàu hạ thủy. Một trong ba chiếc đã vươn khơi trúng đậm tôm, cá trong chuyến biển đầu tiên mang theo nhiều kỳ vọng cho cả một chặng đường dài.

Phát triển nghề đánh bắt

Qua hơn một năm triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay trên địa bàn thị trấn Sông Đốc có 98 hồ sơ xin đóng mới, nâng cấp, sửa chữa và dịch vụ hậu cần nghề cá. Được UBND tỉnh thẩm định công nhận 59 hồ sơ, trong đó đóng mới 43 tàu khai thác, chín tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cấp bảy tàu. Ngoài ra, UBND tỉnh còn phê duyệt 39 hồ sơ xin hỗ trợ chi phí chuyến biển, 310 hồ sơ hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.

Khai thác thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn của thị trấn Sông Đốc.  

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc Lâm Văn Phú cho biết, trong số 98 ngư dân xin vay vốn đóng mới tàu đến nay đã hạ thủy ba tàu. Trong đó, có một tàu đã ra khơi khai thác chuyến biển đầu tiên, còn lại hai tàu đang hoàn tất các công đoạn cuối để ra khơi. Trong ba chiếc tàu đã hạ thủy có hai chiếc đóng tại Sông Đốc, một chiếc đóng tại tỉnh Kiên Giang.

Hơn năm tháng khởi công, con tàu cá dài 23,7 m, ngang 7,3 m, với công suất 898 CV, trị giá trên 10 tỷ đồng, ngư dân Nguyễn Minh Hoàng, khóm 2, thị trấn Sông Đốc, cho biết: “Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và ngân hàng, gia đình tôi đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải, ngư cụ, khai thác xa bờ. Hy vọng chuyến đi biển đầu tiên này sẽ khai thác đạt hiệu quả cao. Gia đình tôi sẽ sớm hoàn trả vốn vay, phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển nghề đánh bắt”.

Được biết, tàu anh Nguyễn Minh Hoàng đã ra khơi chuyến biển đầu năm dương lịch từ mùng 10/11 (âm lịch) đến nay. Theo thông tin từ ngư dân nơi đây, sau hơn 20 ngày đánh bắt trên biển, tàu đang trúng đậm tôm cá, đang chuẩn bị vào đất liền.

Tháo từng điểm nghẽn

Một trong những rào cản đầu tiên trong việc tiếp cận vốn vay theo Nghị định 67, theo các ngư dân, là vốn đối ứng. Theo quy định, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải có 30% vốn đối ứng với tàu gỗ, 5% với tàu vỏ thép. Đây được xem là quy định cần thiết nhằm chọn những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính đối với ngư dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, có rất nhiều ngư dân thị trấn Sông Đốc muốn vay vốn đóng tàu, song, số hộ đủ điều kiện để được phê duyệt không nhiều. Bởi mỗi con tàu trị giá cả chục tỷ đồng và như vậy vốn đối ứng của ngư dân cũng phải trên bốn tỷ đồng, số tiền này không phải ngư dân nào cũng đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Nghị định 67 quy định sử dụng máy mới 100%, trong khi có nhiều trường hợp ngư dân mong muốn được sử dụng máy đã qua sử dụng nhằm tiết giảm chi phí.

Ngư dân Nguyễn Duy Chương, khóm 1, thị trấn Sông Đốc, cho biết, con tàu của anh với vốn đầu tư trên 12,4 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Cà Mau (BIDV) tám tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của chủ tàu trên bốn tỷ đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất một năm đầu, các năm sau chủ tàu tự đóng lãi suất. Nếu giải ngân vốn chậm, tàu chậm ra khơi thì người dân coi như không được hưởng lợi.

Để tàu theo Nghị định 67 sớm vươn khơi, ông Lâm Văn Phú kiến nghị ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm giải ngân vốn. Nghị định 67 là một chủ trương đúng đắn. Nhưng để chính sách được triển khai hiệu quả, đặc biệt là nguồn vốn được giải ngân nhanh và tới được với nhiều hộ dân hơn nữa, cần có sự chung tay tháo gỡ của không chỉ riêng ngành ngân hàng mà cả sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của nhiều bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương và người dân trong triển khai thực hiện./.

Bài, ảnh: Trung Đỉnh

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!