Cả nước “khát” tôm!

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá tôm nguyên liệu tăng cao trong hoàn cảnh nắng nóng và xâm nhập mặn đã cho thấy vị trí con tôm trong đời sống ẩm thực Việt Nam ngày nay và cũng đặt ra vấn đề quy hoạch phát triển ngành tôm trong điều kiện thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt.

Tôm lên ngôi

Tôm nguyên liệu thiếu hụt không chỉ ảnh hưởng đến các nhà máy chế biến xuất khẩu mà còn làm “cháy chợ” trên toàn quốc. Liên tục ghi nhận các con số cho thấy giá tôm tiêu thụ trong nước liên tục phá vỡ các kỷ lục, nhưng điều đó không ngăn được việc người dân vẫn bỏ tiền săn lùng mua tôm để ăn khi tôm trở nên một món ẩm thực được người dân ba miền yêu thích.

Giá tôm thẻ chân trắng (TTCT), tôm sú tại các vựa tôm đã tăng 20.000 – 30.000 đồng/kg trong 1 tháng. Trong khi đó, giá các loại hải sản khác như cua, ghẹ, ngao, sò… vẫn giữ nguyên. Ngay tại ĐBSCL, dù giá đang tăng cao nhưng người dân không có tôm để bán. Tại Sóc Trăng, TTCT cỡ 100 con/kg từ 80.000 đồng/kg tăng lên 92.000 đồng/kg; tăng mạnh nhất là tôm thẻ cỡ 40 con/kg từ 145.000 đồng/kg lên 161.000 đồng/kg.

Giá tôm sú, TTCT tại Bến Tre đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm qua nhưng người nuôi không có để bán vì tôm chết hàng loạt do độ mặn quá cao. Tôm bán tại các chợ ở TP. HCM và Hà Nội cũng đều đạt mức giá kỷ lục và luôn trong tình trạng không có tôm để bán.

 

“Giá” của xâm nhập mặn

Các nhà khoa học và cơ quan quản lý đều ghi nhận các thông số mặn xâm nhập đáng báo động. Đây là nguyên nhân khiến người dân lo ngại không dám xuống giống. Dịp đầu năm, giá tôm thường lên cao và tôm nguyên liệu thiếu, song chưa có năm nào tôm nguyên liệu lại thiếu nghiêm trọng như năm nay và việc giá cả tăng kỷ lục chính là hệ quả của việc mặn xâm nhập sâu vào đất liền.

Theo Tổng cục Thủy sản, khi độ mặn tăng cao trên 25‰ thì người nuôi tôm cần phải có nguồn nước ngọt bổ sung, thay nước để làm giảm độ mặn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, giảm rủi ro dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, mặc dù mặn xâm nhập tăng dần nhưng nguồn nước ngọt lại thiếu nghiêm trọng. Thạc sĩ Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết thực tế có những vùng độ mặn nguồn nước lên tới 30‰ gây bất lợi cho tôm nuôi.

Con tôm rất nhạy cảm với môi trường. Môi trường không tốt chắc chắn sẽ dẫn đến bùng phát dịch bệnh, chưa kể các yếu tố như con giống và thức ăn không đảm bảo để nuôi trong điều kiện khắc nghiệt đầu năm.

Tính đến hết tháng 2/2016, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL là 368.000 ha, đạt khoảng 50% kế hoạch. Song dịch bệnh vẫn nghiêm trọng. Tại Cà Mau, thả nuôi vẫn chậm vì dịch bệnh chiếm khoảng 60 – 70%; tỉnh Bến Tre chỉ thả 17% diện tích toàn vụ, nhưng diện tích thiệt hại cũng chiếm 10% diện tích thả giống. 

cả nước khát tôm

Tôm nguyên liệu đang sốt hàng – Ảnh: Ngọc Trinh

Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết trong tháng 3/2016, hơn 1.500 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến trên địa bàn bị bệnh, tăng 734 ha so với tháng trước. Còn tính từ đầu năm đến nay có gần 3.400 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị bệnh, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái, năng suất có nơi chỉ đạt 30%. Huyện Cái Nước có hơn 30.000 ha nuôi tôm (tôm công nghiệp chiếm 2.200 ha), nhưng diện tích xuống giống thả nuôi chỉ 750 ha.

Trà Vinh đã có 228 ha nuôi tôm bị đốm trắng, gan tụy và hơn 366 ha nuôi tôm sú tập trung ở các huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành và thị xã Duyên Hải bị ảnh hưởng. Theo Chi cục Thủy sản Long An, do nước mặn sớm nên từ đầu năm đến nay, các xã của huyện Cần Giuộc như: Tân Lập, Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây… đã có 280 ha bị thiệt hại, chiếm gần 60% diện tích nuôi tôm nước lợ thả nuôi ở địa phương này.

 

Người dân “treo ao” đến bao giờ?

Tình hình khí hậu diễn biến phức tạp và dịch bệnh còn nhiều, có thể dẫn đến tình trạng thiếu tôm nguyên liệu và cùng với đó là việc người dân không thể xuống giống; công việc đình trệ, không có thu nhập. Tại Tiền Giang, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh hơn 4.000 ha nhưng đến thời điểm này chỉ mới thả nuôi hơn 2.169 ha (trên 50%), diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh chỉ đạt 341 ha (chỉ chiếm hơn 17% diện tích nuôi của tỉnh); Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm hơn 124.000 ha (tôm công nghiệp chiếm 3.109 ha), hiện, diện tích thả giống ở các mô hình nuôi như thâm canh, bán thâm canh và nuôi công nghiệp chỉ đạt trên dưới 16% kế hoạch. Diện tích thả nuôi của Cà Mau cũng thấp hơn so với các năm trước, tôm quảng canh cải tiến trên 79.000 ha, chiếm hơn 80%; tôm công nghiệp với tổng diện tích gần 10.000 ha, nhưng hiện mới thả nuôi được 4.100 ha….

 

Khẩn trương tìm giải pháp

Diễn biến thời tiết phức tạp, nhiệt độ tăng, mặn xâm nhập, nguồn nước ngọt khan hiếm, ô nhiễm môi trường, thoái hóa giống, dịch bệnh tăng… khiến cho việc nuôi tôm đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Áp lực không chỉ đè nặng lên các doanh nghiệp xuất khẩu khi họ phải thu mua tôm nguyên liệu giá cao hơn các nước và sức cạnh tranh kém đi, mà phía người dân cũng phải “treo ao” do việc nuôi trồng rủi ro quá lớn.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo ngành tôm các tỉnh đều cho biết, diện tích nuôi thả thực tế đang giảm đi, bởi một số diện tích được nuôi thả nhiều lần (do dịch bệnh). Một số hộ thắng do tôm lên giá, nhưng kỳ thực, họ cũng phải chịu tổn thất khá nhiều diện tích do dịch bệnh.

Đồng thời, nếu tính trên bình diện chung thì số hộ có sản lượng không thể bù đắp được số hộ không có sản lượng do dịch bệnh và tổn thất từ các hộ không tham gia xuống giống do lo ngại dịch bệnh. Người nông dân gắn với ruộng đồng và việc họ không thể xuống giống, đồng nghĩa với việc không có thu nhập, không có công ăn việc làm. Do vậy, việc giảm tổn thất bằng cách không thả giống (treo ao) chỉ là giải pháp cuối cùng. Người dân mong muốn các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và nhà khoa học sớm tìm ra giải pháp để nuôi tôm trong tình hình ngập mặn và diễn biến thời tiết phức tạp, để việc sản xuất không bị gián đoạn.  

>> Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản: Diện tích thả nuôi ít đồng nghĩa với sản lượng tôm thấp, dẫn đến thiếu hụt tôm nguyên liệu trong các tháng tiếp theo. Đối phó với tình hình hạn, mặn, dịch bệnh là bài toán cho ngành tôm trước mắt cũng như lâu dài, nhằm bảo vệ quyền lợi của người nuôi tôm, giúp họ gắn với ruộng đồng.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!