Sau một thời gian phát triển ồ ạt, nhiều người trở nên giàu có nhờ nuôi cá rô đầu vuông. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định nên sau gần 4 năm xuất hiện, con cá rô đầu vuông lại khiến cho nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn.
Nhờ đặc tính dễ nuôi, mau lớn và to hơn cá rô bình thường, sau 3 – 4 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 10 con/kg, giá bán 30.000 đ/kg; dưới 10 con/kg có giá từ 32.000 – 35.000 đ/kg.
Sau khi xuất hiện trong ao nuôi của một hộ nông dân ở tỉnh Hậu Giang vào giữa năm 2008, cá rô đầu vuông được nhân giống và nhanh chóng lan rộng hầu như khắp các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ và tận miền Trung. Cá rô đầu vuông trở thành vật nuôi được đông đảo nông dân đến tìm hiểu cũng như được giới thiệu tại nhiều hội chợ nông nghiệp. Riêng tại Vĩnh Long, tuy phong trào nuôi cá rô đầu vuông không phát triển ồ ạt như các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, nhưng cũng có khá nhiều nông dân nuôi.
Ông Tựu chỉ còn biết cho ăn cầm chừng để chờ thương lái đến mua.
Ông Nguyễn Ngọc Tựu ở (xã Tân Bình – Bình Tân) có 900 m2 mặt nước trước kia nuôi cá thác lác cườm, thu nhập cũng gần 80 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, do thác lác cườm rất khó chăm sóc và thường xuyên mắc bệnh nên sau đó ông quyết định chọn nuôi cá rô đầu vuông “cho an toàn”. Ông Tựu cho rằng đây là loài dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc và dễ cho ăn. Tháng 10/2011, ông thả nuôi trên 28 kg cá giống. Đến tháng 2/2012 là đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên giá rớt quá nhanh chỉ còn khoảng 15.000 đ/kg mà việc tìm thương lái vô cùng khó khăn. “Tui nghe ai giới thiệu người thu mua cá rô đầu vuông là gọi điện thoại liền nhưng họ đều từ chối mà không giải thích lý do tại sao” – ông Tựu cho biết thêm.
Đã hơn 1 tháng nay ông phải “cầm cự” cho ăn hàng ngày chờ thương lái trong khi giá thức ăn thì ngày càng tăng. “Tui đã tốn hơn 4 bao thức ăn rồi, giá cũng trên 300.000 đ/bao, thế này mãi thì lỗ là cái chắc. Lần này bán xong mấy con cá rô đầu vuông, tui sẽ mở rộng diện tích ao quay lại nuôi cá thác lác cườm, chứ nuôi lỗ như cá rô đầu vuông này thì không chỉ riêng tui mà nhiều bà con thấy nản lắm” – ông Tựu quả quyết.
Ông Huỳnh Ngọc Điễm (ấp Tân Trung – Tân Bình) được xem như người may mắn hơn nhiều hộ chăn nuôi khác. Khoảng giữa năm 2011, ông thả nuôi hơn 28 kg cá giống, trên tổng diện tích gần 1.000 m2. Sau 4 tháng nuôi, thu hoạch hơn 200 kg cá thương phẩm, với giá bán lúc đó là 27.000 đ/kg. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thương lái cũng gian nan. “Cũng nhờ Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ một phần chi phí thức ăn và con giống, nếu không với giá cả như thế lỗ là cái chắc. Sau đợt đó tui quyết định treo ao, chứ giá giảm nhanh quá có muốn nuôi tiếp cũng không dám” – ông Điễm cho biết.
Nhận định về tình trạng ách tắc trong khâu đầu ra đối với cá rô đầu vuông, Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long – cho rằng nguyên nhân chính là công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo chưa mạnh, công tác xúc tiến thương mại không theo kịp tiến độ phát triển của nghề nuôi. Một bộ phận nông dân còn tồn tại cách làm ăn tự phát, nuôi những gì mình có hơn là những gì thị trường cần, chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong chăm sóc; thương lái ép giá; quá trình tiêu thụ không qua chế biến và xuất khẩu nên thị trường bị hạn chế. “Trước khi quyết định nuôi loài thủy sản nào bà con nông dân cần nắm bắt đặc tính cũng như nhu cầu của thị trường, nhằm tránh tình trạng phát triển tràn lan ồ ạt, thiếu đầu ra” – Thạc sĩ Phạm Thị Thu Hồng khuyến cáo.
Nguyễn Thịnh
Theo Báo Vĩnh Long