T2, 06/07/2020 09:52

Cá tra – Vẫn là thế mạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Sáng 1/6/2011, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về “Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020”. Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, cá tra vẫn sẽ là một trong ba mặt hàng chủ lực góp phần thúc đẩy ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 6,5 – 6,7 tỷ USD đến năm 2015 và 8 – 9 tỷ USD năm 2020.

Cá tra – một trong ba mặt hàng chủ lực

Tại Hội thảo "Chương trình xuất khẩu thủy sản đến năm 2015 và định hướng đến 2020" do Tổng cục Thủy sản – Bộ NN&PTNT tổ chức, ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu giữ vững nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 – 10%/năm, đạt kim ngạch 6,5 – 6,7 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ đưa ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu trở thành ngành sản xuất được quản lý theo tiếp cận hệ thống, bền vững, có thương hiệu mạnh và uy tín trên thị trường trong nước và thế giới, giá trị xuất khẩu đạt 8 – 9 tỷ USD.    

Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu như tôm, cá tra và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tiếp tục là ba sản phẩm chủ lực. Đối với tôm, giữ vững và tăng diện tích nuôi tôm sú phù hợp quy hoạch; Duy trì hợp lý diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở những vùng không phát triển được tôm sú; Phát triển nuôi tôm càng xanh ở các vùng nước ngọt ở ĐBSCL và các vùng khác… Đối với cá tra, tiếp tục phát triển diện tích nuôi tại các tỉnh ĐBSCL; Phấn đấu đến năm 2015 đạt sản lượng 1.650 nghìn tấn, các trang trại có diện tích nuôi trên 1 ha phải đáp ứng các tiêu chuẩn vùng nuôi an toàn, tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn như GAP, BAP…; Phát triển kỹ thuật nuôi cá ít mỡ, thịt đỏ; Quản lý sản xuất giống; Quản lý chặt chẽ việc sử dụng kháng sinh và các chế phẩm sinh học trong nuôi cá; Khuyến khích các quan hệ liên kết theo chuỗi giữa các doanh nghiệp, người nuôi, sản xuất thức ăn và các đối tác có liên quan; Đầu tư thủy lợi cho nghề nuôi cá tra, chủ động đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ngoài việc đẩy mạnh phát triển ba mặt hàng chủ lực trên cũng cần tích cực nhân rộng các loài như cá chẽm, cá rô phi đơn tính, nghêu, cá bốp (cá lóc biển), cá ngừ và các loài nuôi biển khác… lên quy mô công nghiệp.

 

Cá tra là một trong ba mặt hàng chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam            Ảnh: Lê Hoàng Vũ

"Giông bão" đang chờ

Có thể nói, trong nhiều năm gần đây, cá tra liên tiếp là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, góp phần vào sự tăng trưởng của xuất khẩu thủy sản nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung. Trong 10 năm tới, kim ngạch xuất khẩu cá tra vẫn được dự báo là luôn tăng trưởng ở mức năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng này lại khiến nhiều chuyên gia lẫn doanh nghiệp lo ngại rằng, ngành nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nhiều năm tới sẽ phải đối đầu với nhiều "giông bão". Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhằm chiếm giữ thị phần riêng, sự xuất hiện của nhiều đối thủ mới có truyền thống nuôi cá tra như Bangladesh, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… có thể khiến cá tra Việt Nam đánh mất vị thế độc quyền trên thị trường như hiện nay.

Dù không dễ dàng để ngành công nghiệp cá tra Việt Nam đi qua nhiều sóng gió ở cả thị trường nội địa và quốc tế trong thời gian vừa qua. Nhưng những thành công hôm nay của cá tra Việt Nam phần nào đã chứng minh được giá trị đích thực của nó. Vậy thì không có bất cứ lý do gì khiến chúng ta từ bỏ niềm tin rằng, "con cá vàng" của thủy sản Việt Nam sẽ vượt qua "giông bão" để vươn xa hơn nữa, chinh phục những tầm cao hơn, xa hơn trên thị trường thế giới. Để phát triển bền vững và "băng qua" được những thách thức, sóng gió này, ngành cá tra Việt Nam cần sự nỗ lực và chung tay của toàn ngành.

>> TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho biết: "Mục tiêu của ngành thủy sản trong thời gian tới là giữ vững nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 – 10%/năm để đạt kim ngạch xuất khẩu 6,5 – 6,7 tỷ USD vào năm 2015 và đạt con số 8 – 9 tỷ USD vào 2020. Về thị trường, sẽ giữ vững cơ cấu dựa trên ba trụ cột chính là EU – Nhật Bản – Mỹ. Về các sản phẩm xuất khẩu, tôm, cá tra và nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn là các sản phẩm chủ lực cần được đầu tư. Tuy nhiên, để đảm bảo kim ngạch xuất khẩu như đã đề ra còn phải đầu tư vào phát triển các loại thủy sản khác như cá ngừ, nhuyễn thể, cá rô phi…"

Hồng Thắm


Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!