(TSVN) – Trong 5 tháng đầu năm nay Đài Loan chủ yếu nhập khẩu mặt cá tra từ Việt Nam. Những tín hiệu vui từ thị trường này và các nước khác đem đến nhiều động lực cho người nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra tại Việt Nam.
Tính riêng mặt hàng cá tra fillet, 5 tháng đầu năm nay, Đài Loan đã nhập khẩu hơn 842,4 tấn mặt hàng này từ Việt Nam với tổng kim ngạch đạt 1,45 triệu USD, chiếm tới 99,38% thị phần nhập khẩu. Theo thông tin, lượng thị phần không đáng kể còn lại được Đài Loan nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tuy Đài Loan không nằm trong top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam nhưng thị trường này lại rất ổn định về kim ngạch với khoảng 100 triệu USD/năm, chiếm từ 1,3 – 1,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Bí quyết xuất khẩu vào thị trường này, ngoài việc phong phú về sản phẩm, thì yêu cầu mẫu mã, bao bì đóng gói rất được chú ý. Sản phẩm nhỏ gọn và cần được marketing tốt.
Thị trường cá tra ngày một đa dạng hơn, tạo lực đẩy cho chế biến, xuất khẩu. Ảnh: LHV
Ngay trong tháng 1/2021 xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan đã tăng 66,4% về lượng và tăng 61,4% về kim ngạch so tháng 1/2020; 2 tháng tiếp theo, tăng 65,9% về lượng và tăng 62,3% về kim ngạch. Các mặt hàng thủy sản có lợi thế như tôm đông lạnh tăng 92% về lượng và 54,4% về kim ngạch; cá hồi đông lạnh tăng 140,9% về lượng và 105,5% về kim ngạch; cá tra đông lạnh tăng 19,6% về lượng và 17,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm 2020. Thị trường Đài Loan tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa quan trọng với ngành thủy sản, vì ngoài phụ vụ nội địa, đây cũng là thị trường trung gian cho nhiều sản phẩm Việt Nam sang châu Âu, châu Mỹ, Đông Á. Đây cũng là thị trường có sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều đối thủ xuất khẩu thủy sản.
Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản vào Đài Loan trong 6 tháng đầu năm là nhờ vào sự phục hồi thị trường khi dịch COVID-19 đang dần được khống chế, tuy vẫn còn diễn biến phức tạp tại thị trường này. Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đã chủ động hơn trong việc tiếp cận các kênh phân phối, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng Đài Loan. Nhiều sản phẩm chế biến đã được đầu tư mẫu mã sản phẩm để xuất khẩu như khô cá, chả cá, các loại bánh có nhân là thịt cá… Xu hướng chung là xuất khẩu các sản phẩm có thể dễ dàng chế biến, thậm chí chỉ cần sử dụng lò vi sóng.
Việc cá tra Việt Nam đang chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Đài Loan là kết quả của việc phát triển giao thương, xuất, nhập khẩu vào Đài Loan từ đầu năm tới nay. Trong các mặt hàng đó thì sản phẩm cá tra fillet được Đài Loan ưa chuộng hơn cả. Bởi, theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, Đài Loan đã nhập khẩu hơn 20,96 nghìn tấn cá fillet tăng 12,11% về kim ngạch so cùng kỳ năm trước. Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai (sau Ấn Độ) vào Đài Loan trong 5 tháng đầu năm 2021.
Các doanh nghiệp Việt Nam đã sáng tạo trong việc giao hàng, thay vì giao hàng đến cảng của Đài Loan thì đã giao hàng tại cảng Việt Nam với mức giá hợp lý. Việc vận chuyển sẽ do đối tác thực hiện, do đó lưu lượng hàng hóa đã được khơi thông hơn năm ngoái.
Bước qua giai đoạn phát triển nóng, khủng hoảng dư cung năm cuối 2019, ngành cá tra phải quy hoạch lại và tìm những hướng đi mới. Theo khảo sát của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, sản lượng cá tra khoảng 1,2 triệu tấn/năm sẽ cho giá tốt, sản lượng trên 1,4 triệu tấn/năm giá cá tra sẽ giảm mạnh. Do đó, dựa trên khả năng tiêu thụ, ngành cá tra đã quy hoạch tập trung vào các tỉnh ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… Giai đoạn 2020 – 2021, sản xuất cầm chừng, sản lượng giảm 20 – 25% so với năm 2018.
Theo hiệp hội này, hiện nay thị phần tiêu thụ cá tra Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia còn yếu, quảng bá hình ảnh ở thị trường nước ngoài chưa chủ động, thường xuyên. Vì vậy, Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đồng hành cùng VASEP và các doanh nghiệp và Hiệp hội xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam để tạo dựng niềm tin cho khách hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Anh