Cà Mau có bờ biển dài 254 km, diện tích ngư trường khai thác khoảng 80.000 km2. Ưu thế có được đã giúp tỉnh nhà phát triển kinh tế biển dựa vào tiềm năng khai thác nguồn lợi hải sản.
Đồn Biên phòng Sông Đốc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho ngư dân trước khi ra khơi.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.640 phương tiện khai thác hải sản. Việc phát triển đội tàu khai thác hải sản đã giải quyết sinh kế cho hàng ngàn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và bảo vệ chủ quyền biên giới biển. Tuy nhiên, tình trạng ngư dân đưa phương tiện sang vùng biển nước ngoài khai thác, hoặc hợp đồng khai thác hải sản trái pháp luật nhiều năm qua vẫn chưa được kiềm giảm. An ninh trật tự, tranh chấp ngư trường… có lúc diễn biến phức tạp.
Bất cập khâu xử lý
Từ đầu năm 2016 đến thời điểm này, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ vi phạm vùng biển nước ngoài, liên quan 70 tàu và 455 thuyền viên. Riêng số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 315 tàu cá với 2.713 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ. Đáng lo ngại là trong 2 năm gần đây, tình hình ngư dân khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Cho thấy, đã qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân chỉ dừng lại ở lực lượng chuyên trách mà chưa có sự nhập cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị – xã hội.
Mặt khác, nguồn lợi thuỷ sản trong nước đang ngày càng suy giảm, nhưng số lượng tàu cá khai thác xa bờ phát triển nhanh so với sản lượng tối đa cho phép khai thác, dẫn đến tranh chấp ngư trường. Công tác quản lý, đăng kiểm phương tiện chưa chặt chẽ, nên không ít ngư dân tự ý mua tàu cũ (hình thức sang tay) và sử dụng để khai thác trên vùng biển nước ngoài, nếu bị bắt thì bỏ tàu, hoặc liên kết với ngư dân bản địa để hợp thức hoá việc khai thác, khi về nước thì thay đổi biển số đăng ký để qua mặt lực lượng tuần tra, kiểm soát…
Tuy thủ đoạn của các chủ tàu đưa người, phương tiện khai thác vùng biển nước ngoài, cũng như vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường biển ngày càng tinh vi và phức tạp, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý của lực lượng chức năng, nhưng hiện tại mức xử phạt đối với hành vi này quá thấp, nên vì lợi ích kinh tế mà ngư dân bất chấp pháp luật và lợi ích quốc gia.
Quyết liệt hơn trong các giải pháp
Tập trung thực hiện tốt hơn nữa Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới biển, đảo giai đoạn năm 2017-2021 tỉnh Cà Mau; qua tuyên truyền phải kết hợp với biện pháp xử lý với chế tài đủ mạnh để răn đe những trường hợp đã nhận thức được quy định pháp luật nhưng do lợi ích kinh tế mà cố tình không thay đổi hành vi… là những vấn đề đặt ra để ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý các hoạt động khai thác trên biển và vùng biển giáp ranh để kịp thời phát hiện, xử lý các tàu cá vi phạm, cũng như xử lý nghiêm các đối tượng móc nối đưa người, phương tiện trong nước sang vùng biển các nước để khai thác trái phép.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, Sở NN&PTNT đang tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng rút ngắn thời gian giấy phép khai thác hải sản, bắt buộc tàu cá xa bờ phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tiếp tục buộc ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết không cấp giấy phép khai thác hải sản đối với tàu cá vi phạm từ 2 lần trở lên. Vận động ngư dân thành lập tổ, đội để giúp đỡ, hỗ trợ và kiểm soát lẫn nhau trong quá trình hoạt động trên biển, cũng như khuyến cáo các chủ tàu khai thác xa bờ phải có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm đối với thuyền trưởng nếu điều khiển phương tiện khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài…
“Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài, dự án có liên quan trên lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, quy hoạch lại cơ cấu ngành nghề khai thác hải sản, tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, thực hiện việc chuyển đổi ngành nghề khai thác, thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản…”, ông Châu Công Bằng thông tin thêm.