Khó khăn trong xuất khẩu thời gian qua đã tạo áp lực lớn lên sản xuất trong nước, hàng hóa bị ứ đọng khiến giá thu mua nguyên liệu giảm, cộng với điều kiện nuôi tại vùng trọng điểm vẫn khó khăn dẫn đến việc đầu tư vụ mới bị hạn chế. Nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu đang hiện hữu.
Dấu hiệu thiếu hụt tăng
Ngay từ khi khởi đầu vụ tôm nước lợ năm 2020, con tôm đã chịu tác động mạnh từ thời tiết và dịch COVID-19. Đây cũng là hai nguyên nhân chính chi phối giá tôm thời gian qua, khiến sản xuất chậm lại gây nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trong thời gian tới một khi thị trường hồi phục.
Ngay từ đầu tháng 12/2019, mặn đã xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi tôm khu vực ĐBSCL. Mặn lên sớm lại được sự “trợ giúp” từ những đợt gió chướng mạnh và thời tiết nắng nóng đã nhanh chóng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Các dự báo ban đầu đều nghiêng về yếu tố thuận cho vụ tôm năm nay, kể cả việc thả giống sớm để tranh thủ có tôm, có giá tốt. Tuy nhiên, tất cả những dự tính của người nuôi tôm đã bị đảo ngược khi nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao làm phát sinh bệnh đốm trắng và vi bào tử trùng, khiến nhiều diện tích nuôi chỉ sau 1,5 – 2 tháng buộc phải thu hoạch. Tôm cỡ nhỏ nhiều, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa vì dịch COVID-19 đẩy giá tôm thẻ cỡ nhỏ lao dốc, người nuôi thua lỗ.
Mặt khác, tuy thời gian cách ly xã hội chỉ diễn ra trong 2 tuần, nhưng cũng tạo tâm lý bất an nơi người nuôi về khâu tiêu thụ. Trong khi suốt 4 tháng đầu năm, nhiệt độ và độ mặn cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn cũng làm tôm dễ bị sốc, dẫn đến phát sinh bệnh cơ hội, nên người dân cũng chưa dám thả nuôi nhiều. Việc thả giống chậm lại của người nuôi trong bối cảnh trên là khá hợp lý, nhất là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ theo mô hình quảng canh cải tiến hay bán thâm canh, dù nó có thể gây thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy trong khoảng 1 – 2 tháng tới, nhất là khi thị trường có sự hồi phục sớm. Viễn cảnh trên gần như là chắc chắn, bởi người nuôi hiện phần lớn đều chờ đến khi vào mùa mưa mới tiến hành thả giống, trong khi theo dự báo, khoảng nửa cuối tháng 5 khu vực ĐBSCL mới chính thức bước vào mùa mưa.
Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH HTV Gallant Dachan (KCN Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, với công suất chế biến mỗi năm trên 2.000 tấn tôm fillet, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… nên thông thường, sản lượng tôm nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Hơn nữa, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, kéo theo đơn hàng xuất khẩu có gián đoạn và chậm, nhưng các đối tác của doanh nghiệp này vẫn duy trì đơn hàng, cộng với dự báo nhu cầu tiêu thụ tôm “hậu dịch” sẽ tăng mạnh; vì vậy, nguồn tôm nguyên liệu rất dễ bị thiếu hụt trong thời gian tới.
Sớm đưa giải pháp ứng phó
Theo nhận định chung của các doanh nghiệp, nguồn cung tôm thế giới trong năm 2020 sẽ giảm khá mạnh so với năm 2019, nhưng giá tôm cũng như sức mua trong thời gian tới ra sao còn phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh COVID-19. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vina Cleanfood) cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19, một số kênh tiêu thụ tôm như: nhà hàng, khách sạn, du thuyền, các cửa hàng thức ăn nhanh… đều tạm đóng cửa và cho dù có mở cửa trở lại thì trong thời gian ngắn sức tiêu thụ cũng không mạnh.
Đại diện Chi cục Thủy sản Phú Yên cho rằng, vấn đề quan trọng là phải chủ động nguồn nguyên liệu; đối với thủy sản nuôi trồng như tôm thì việc quy hoạch vùng nuôi gắn với diện tích thực từng vùng, dựa trên phân tích tiềm năng từng khu vực là rất cần thiết.
Công ty CP Thủy sản Bá Hải, ngoài chế biến các loại tôm, còn chế biến các mặt hàng như: cá tuyết, cá ngừ, cá sọc dưa…, năm nay tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu trầm trọng hơn do ảnh hưởng dịch COVID-19; cùng với đó thời tiết diễn biến phức tạp cộng với nhiều yêu cầu nghiêm ngặt trong hoạt động khai thác thủy sản càng khiến việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trở nên khó khăn hơn. Công ty đã kiến nghị cùng với ngư dân cần thành lập HTX thủy sản để được vay vốn nhà nước, triển khai công tác hậu cần; gắn kết thiết bị để cho ngư dân đánh bắt ở ngư trường và thu mua được cá trong thời gian ngắn ngày nhất để đảm bảo chất lượng.
Tuy có đôi chút lo lắng về khả năng thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong 2 tháng 5 và 6, nhưng theo các doanh nghiệp tình trạng này chỉ mang tính cục bộ. Bởi hiện không ít doanh nghiệp có hàng tồn kho tương đối lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp chuyên mặt hàng tôm sú và doanh nghiệp có quy mô nhỏ chưa đủ điều kiện bán hàng vào các siêu thị lớn ở Mỹ và châu Âu.
Box: Theo VASEP, tình hình dịch bệnh kéo dài, người nuôi hạn chế thả giống thì sau 2 tháng nữa, theo thông lệ là vào vụ thu hoạch, khởi đầu mùa tôm… khả năng sẽ bị thiếu tôm để chế biến.
An Xuyên