Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về định hướng xây dựng cảng nước sâu cho vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ cho biết, có tiềm năng để phát triển một cảng biển có tính chất cửa ngõ tại vùng này để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo đó, đã có nhiều nghiên cứu về khả năng quy hoạch cảng biển lớn tại ĐBSCL đã được thực hiện nhưng mới được tiến hành độc lập, chưa lựa chọn được địa điểm phù hợp cũng như đề xuất được giải pháp phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL trong dài hạn.
Xây dựng cảng nước sâu ở ĐBSCL cần thiết cho sự phát triển của khu vực này – Ảnh: ST
Bến cảng cửa ngõ ĐBSCL nếu được chấp thuận bổ sung Quy hoạch và kêu gọi đầu tư thành công sẽ đáp ứng cho các tàu trọng tải lớn trên 100.000 tấn, hình thành các tuyến vận tải biển xa phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng ĐBSCL mà không phải gom hàng tại khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải hoặc các cảng biển trung chuyển quốc tế tại khu vực. Bên cạnh đó, tuyến luồng kênh Quan Chánh Bố vào khu vực bến cảng Cái Cui và các bến cảng thuộc cảng biển Cần Thơ vẫn tiếp tục được khai thác với vai trò là khu bến vệ tinh, thực hiện gom hàng tới các bến cảng cửa ngõ cũng như vận tải hàng hóa với các tuyến vận tải cự ly ngắn.
Việc kết hợp đồng thời cảng cửa ngõ với gam tàu trọng tải đến 100.000 tấn hoặc hơn với các khu bến cảng phục gam tàu dưới 20.000 tấn sẽ đảm bảo khả năng đáp ứng nhiều chủng loại tàu có trọng tải khác nhau, góp phần phát triển dịch vụ logistics, giảm giá thành vận tải hàng hóa, giảm tải trọng cho hệ thống đường bộ, nâng cao vị thế khai thác cảng biển Việt Nam trong khu vực và quốc tế; phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh khu vực và đất nước.