Hệ thống cảng cá (cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, dịch vụ…) mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, tuy nhiên nó vẫn chưa đáp ứng được thực tế khai thác hiện nay của ngư dân, nhất là khâu dịch vụ. Để khắc phục, cần thiết phải thống nhất trong công tác quản lý.
Còn nhiều bất cập tại cảng cá, bến cá Ảnh: Quang Quyết
Xuống cấp, lạc hậu
Mặc dù thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 và Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 9/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu góp phần vào phục vụ có hiệu quả cho hoạt động khai thác hải sản và neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn cho các tàu cá. Song vẫn phải khẳng định dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đáp ứng được nhu cầu bán sản phẩm cũng như mua sắm nhiên liệu, ngư lưới cụ cho ra khơi. Đặc biệt là tại các cảng cá miền Trung.
Tại Quảng Nam có 3 cảng cá là Tam Kỳ (TP Tam Kỳ), Cửa Đại (TP Hội An) và An Hòa (huyện Núi Thành), nhưng tất cả đều bất cập, thiếu đồng bộ buộc ngư dân phải cập vào các cảng cá do tư nhân xây dựng, dù manh mún và tự phát.
Cảng cá Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) do Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư, với kinh phí 29 tỷ đồng, bắt đầu xây dựng vào tháng 8/2004 và hoàn thành vào tháng 8/2010. Tuy nhiên, đến nay công trình này phơi mưa, phơi nắng, dẫn đến hư hỏng nặng.
Tại TP Đà Nẵng, hiện khu neo đậu tàu thuyền Thọ Quang với sức chứa khoảng 800 tàu, nhưng thực tế số lượng tàu neo đậu đã lên tới 1.800 tàu. Việc thiếu âu thuyền tránh bão không chỉ gây khó khăn cho bà con ngư dân về nơi neo đậu, mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển đánh bắt hải sản ở địa phương.
Tại Quảng Ngãi hiện có 5 cảng cá gồm Tịnh Hòa, Lý Sơn, Mỹ Á, Sa Kỳ và Sa Huỳnh. Do được xây dựng đã lâu nên hầu hết các cảng cá này đã xuống cấp, chủ yếu đáp ứng việc neo đậu cho các phương tiện tàu cá có công suất nhỏ. Hơn nữa, các bãi neo, đậu tàu cá lại lạc hậu, xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện tàu cá ra vào đánh bắt và bán sản phẩm…
Và khó “lên hạng”
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết: Toàn tỉnh Bình Định hiện có 3 cảng cá lớn, gồm: cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), cảng cá Ðề Gi (tại xã Cát Khánh, Phù Cát) và cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn). Các cảng cá này hiện đang trong tình trạng xuống cấp, quá tải, không đảm bảo cho các tàu cá công suất lớn cập cảng tiêu thụ sản phẩm nên cần được xây dựng, nâng cấp. Trong đó, cảng cá Quy Nhơn là cảng cá loại 1 lớn nhất của tỉnh, được nâng cấp, mở rộng, đưa vào sử dụng năm 2011, với tổng diện tích trên 35.000 m2, quy mô hàng hóa thông qua cảng 40.000 tấn/năm, tàu thuyền cập cảng 4.000 lượt/năm.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quy Nhơn cho biết: Hiện mỗi năm có 11.000 lượt tàu thuyền thông qua cảng. Bình quân một ngày có trên 30 lượt tàu thuyền ra vào bến, lúc cao điểm có trên 200 lượt; mùa mưa bão số lượng tàu thuyền tăng gấp 3 lần. Cộng với việc Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn xây dựng cầu cảng, làm cho diện tích mặt nước trong cảng cá bị thu hẹp, gia tăng tình trạng quá tải. Cơ sở hạ tầng của cảng như hệ thống thoát nước, nhà lồng, cầu cảng… xuống cấp.
“Luật Thủy sản 2017 quy định cảng cá loại 1 phải có diện tích vùng đất cảng từ 4 ha trở lên, vùng nước cảng tối thiểu 20 ha. Theo đó thì cảng cá Quy Nhơn hiện tại chưa đáp ứng được vì diện tích mặt nước của cảng chưa được giao. Nếu không đủ tiêu chí theo luật định, cảng cá Quy Nhơn không đạt cảng cá loại 1, sẽ không phục vụ được tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn theo quy định” – ông Thiện chia sẻ.
Cần sự thống nhất
Ông Lê Văn Kháng, Ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam cho biết, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các cảng cá hiện vẫn chưa phối hợp tổ chức được các hoạt động quản lý trật tự vệ sinh môi trường, chưa tổ chức được hệ thống quản lý thống kê nguồn lợi và tàu thuyền và cũng chưa quản lý được chất lượng sau khai thác. Đặc biệt là chưa tổ chức lại hệ thống thu mua tại cảng nhằm truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Việc quản lý của cảng tại nhiều tỉnh lâu nay không đồng bộ, thống nhất, cái thì do Bộ quản lý, cái do Sở, có cảng do cá nhân, doanh nghiệp quản lý. Chính mô hình không đồng nhất dẫn đến việc bất cập trong quản lý cảng cá.
Còn theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh có 6.243 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản có giấy phép khai thác. Tuy nhiên, số lượng tàu cá hoạt động có giấy phép khai thác đúng quy định rất thấp, hiện nay có tên 2.800 tàu cá (chiếm 46,4% trên tổng số tàu đăng ký) chưa có giấy phép hoặc giấy phép khai thác đã hết hạn hoạt động…
Việc cập nhật dữ liệu qua thiết bị giám sát hành trình từ tàu khai thác xa bờ sẽ là cơ sở để các cảng từ chối cho bốc dỡ sản phẩm đối với các tàu cá khai thác trái phép, ngoài ra còn biết được tọa độ, đường đi của các tàu trong quá trình khai thác. “Khi có thiết bị này thì biết được tàu cá của chúng ta đang hoạt động trên biển thuộc chủ quyền của nước nào. Nếu tàu cá vi phạm chủ quyền các nước thì cũng kịp thời thông tin và yêu cầu di chuyển ra khỏi vùng biển đó” – ông Trần Văn Vinh nhấn mạnh.
Để khắc phục những mặt hạn chế trong công tác quản lý cảng cá, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành lĩnh vực khai thác thủy, hải sản, thì trách nhiệm quản lý và thành lập ban quản lý cảng cá cho ngành nông nghiệp sẽ hợp lý hơn. Có như vậy, việc điều hành sẽ thống nhất, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo sản xuất, khai thác hiệu quả các dịch vụ hậu cần nghề cá của các địa phương.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để thống nhất công tác quản lý tàu cá, cảng cá, Luật Thủy sản 2017 quy định, khi các tàu cập bến thì cơ quan quản lý cảng ngoài việc thu thập nhật ký chuyến biển cũng phải cập nhật dữ liệu hành trình của từng tàu vào phần mềm quản lý, dữ liệu này sẽ được kết nối với Chi cục thủy sản của tỉnh cũng như là Tổng Cục thủy sản. |