Theo kế hoạch, cuối tháng 10 đầu tháng 11/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC sẽ đến Việt Nam để kiểm tra. Do đó, các bộ, ngành và địa phương cần nỗ lực hơn nữa, cùng chung tay nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” của EU.
Tuân thủ quy định
Tổng cục Thủy sản đã đưa ra những quy định cụ thể, trong đó có những quy định cốt yếu để chủ tàu và ngư dân nhớ và tuân thủ để có thể thực hiện các khuyến nghị của của EU cũng như nhanh chóng gỡ “thẻ vàng”, đó là:
1. Phải có giấy phép khai thác thủy sản;
2. Treo cờ Việt Nam khi hoạt động;
3. Không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
4. Không vi phạm về khai thác IUU;
5. Tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển;
6. Tàu từ 12 m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định;
7. Tàu từ 15 m trở lên: Phải lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định; thiết bị hoạt động liên tục 24/24 sau khi rời cảng: Cụ thể, phải kết nối với Hệ thống Giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 tỉnh, thành ven biển; Thiết bị tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần (đối với tàu 24 m trở lên); 3 giờ/lần với các tàu 15 – 24 m qua vệ tinh, thông tin di động GSM hoặc thông tin mặt đất. Dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, nên thiết bị phải lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển để hỗ trợ giải quyết.
8. Phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ trước khi cập cảng;
9. Tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục Thủy sản.
Tàu cá cần tuân thủ quy định khi ra khơi để nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” của EU
Nỗ lực trên nhiều phương diện
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành 5 văn bản chỉ đạo địa phương triển khai các giải pháp chống khai thác IUU; tập trung chỉ đạo ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Tham mưu cho Bộ tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC; tổ chức Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các tỉnh: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Bến Tre từ ngày 15 – 19/4/2019 và Bình Định ngày 29/6/2019. Cùng đó, tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban. Hoàn tất thủ tục trở thành thành viên chính thức của Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO vào ngày 3/1/2019 và Hiệp định Đàn cá di cư của Liên hợp quốc vào 17/1/2019. Công bố cảng cá chỉ định đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản từ khai thác qua cảng: Bộ đã công bố 3 đợt cho 57/83 cảng cá đủ điều kiện. Tổng cục đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển rà soát số lượng, hiện trạng và lập kế hoạch lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên để đáp ứng lộ trình Nghị định số 26/2019/NĐ-CP đề ra. Thu hồi, phân bổ 2.048 thiết bị Movimar: trong đó 1.622 thiết bị lắp đặt trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên và 426 thiết bị lắp cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m đến dưới 24 m. Lắp đặt 3 trung tâm giám sát cho 3 tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Bến Tre để các tỉnh chủ động trong việc giám sát tàu cá của tỉnh, chống khai thác IUU. Một số địa phương đã tiến hành thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới như: Cà Mau (294 thiết bị được lắp đặt trong đó 31/53 cho tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên) và Kiên Giang (436 thiết bị được lắp đặt, trong đó có 40/625 cho tàu cá chiều dài từ 24 m trở lên).
Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản cũng tiếp tục tổ chức công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động chống khai thác IUU đảm bảo các cá nhân/ tổ chức được tiếp nhận đầy đủ thông tin, góp phần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng”. Tổ chức 1 lớp tuyên truyền, tập huấn Chỉ thị số 689/CT-TTg, Chỉ thị số 45/CT-TTg, các Công điện: số 732/CĐ-TTg, số 1275/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan về ngăn chặn, xử lý tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng hợp thực tiễn, từ đó có các giải pháp cụ thể khắc phục “thẻ vàng” của EC; duy trì việc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU hàng tháng; tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm. Với những vướng mắc, tồn tại trong việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản phải rà soát, thống kê cả nước có bao nhiêu tàu bị ảnh hưởng bởi n ngạch, để tham mưu Bộ cấp đủ hạn ngạch cho các tỉnh, thành, việc giải quyết phải uyển chuyển, đảm bảo đời sống ngư dân. Ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra tại thực địa về công tác chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10 tới.
>> Theo Bộ NN&PTNT, sắp tới Bộ sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để bàn giải pháp xử lý tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, không mở thiết bị giám sát hành trình; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giám sát tàu cá hoạt động trên biển, tàu cá xuất nhập cảng. Trong tháng 7, xây dựng hoàn thành hạ tầng thông tin kết nối quản lý dữ liệu giám sát tàu cá. |