Những năm gần đây, việc người dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản diễn ra khá phổ biến. Chỉ cần đầu tư khoảng 1 – 2 triệu đồng mua một bình ắc- quy 12 V, bộ kích điện và hai cần tự chế là có ngay một bộ dụng cụ đi “hành nghề”. Đây là cách khai thác phản khoa học, có tác hại lâu dài, phá hủy sinh cảnh, gây ô nhiễm môi trường sống và tận diệt các loài thủy sản.
Tận diệt nguồn thủy sản
Khoảng 9 – 11 giờ trưa, giữa cái nắng chói chang hất rát cả mặt, dọc theo bờ sông Hậu (khu vực bờ hồ Nguyễn Du, TP. Long Xuyên) tôi bắt gặp hình ảnh người đàn ông gần 50 tuổi dùng xung điện để bắt cá. Đứng quan sát, tôi thấy người đàn ông cầm 2 cần tre chọc xuống nước, trong bán kính khoảng 1,5- 2m, cá lớn, cá bé đều bị tê liệt, chết. Dụng cụ “hành nghề” đánh bắt cá của ông rất đơn giản, gồm: Một bình ắc-quy khoảng 12V, với bộ phận kích điện khoảng 220V, 2 cần tre dài khoảng 3m, 1 cần có đầu là que thép nhọn nối với cực dương gắn công tắc, cần còn lại gắn với vợt sắt nối cực âm. Khi chọc 2 cần xuống nước, bật công tắc sẽ xảy ra hiện tượng xung điện, những động vật nằm trong bán kính 3m sẽ bị điện giật chết hoặc gây thương tổn vĩnh viễn. Những nơi ông đi qua, cá chết phơi trắng bụng nổi lềnh bềnh trên mặt nước, một vài con ngáp ngáp sắp chết.
Đứng gần tôi, chị Nguyễn Bích Ngọc bức xúc: “Hôm nay, nhà tôi đi mua cá phóng sinh. Hồi nãy không để ý, tôi mới thả gần 8kg cá rô non, cá trê con xuống sông. Quay qua gặp ông này, vợt điện cá chết quá trời. Vừa bực mình, vừa thấy áy náy trong lòng. Thà không phóng sinh, chứ kiểu này tôi thấy có lỗi lắm! Tháng 7 âm lịch là rằm lớn, người ta phóng sinh, làm phước không hết mà mấy ông này bắt cá kiểu tận diệt. Xuyệt điện kiểu này thì vài ba năm nữa, cá lớn, cá bé, tôm…chắc sẽ không còn một con”.
Sau một hồi làm quen, tôi biết người đàn ông đang xuyệt điện bắt cá tên T., nhà ở xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên). Tôi hỏi vì sao ông không dùng lưới bắt cá, ông T. trả lời tỉnh bơ: “Chài lưới thì lâu lắm! Biết bao lâu mới kéo được số cá như mong muốn. Dùng kích điện cho nhanh”. Khoảng 30 phút, kích điện dọc bờ sông, ông đã bắt được hơn kg cá lớn, nhỏ, với nhiều loại khác nhau. Tôi nói đây là hình thức tận diệt, lực lượng chức năng thấy sẽ phạt. Ông T. bảo: “Đi kích giữa trưa, ngay ngày nghỉ, ai thấy đâu mà phạt. Biết đây là hình thức đánh bắt tận diệt, biết là phạm pháp nhưng vì mưu sinh, kiếm vài đồng về mua gạo, cô ơi!”. Ông T. cũng thừa nhận, so với mấy năm trước thì lượng cá bây giờ giảm hẳn.
Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử phạt việc đánh bắt bằng xung, kích điện để bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Cần xử lý mạnh tay
Nghề đánh bắt cá bằng xung điện ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khai thác hàng năm của ngư dân. Vì nó có thể làm chết hầu hết các loài thủy sản, thủy sinh trong vùng ảnh hưởng của xung điện. Ngoài ra, còn hủy hoại nơi sinh sống, kiếm mồi, sinh sản của các loài thủy sản, làm cho trứng của các loài thủy sản bị phá hủy. Mặt khác, không ít trường hợp tử vong khi đánh bắt cá bằng xuyệt, xung điện.
Theo Chi cục Thủy sản, để hạn chế tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, thời gian qua, chi cục đã tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cấm đánh bắt cá con và việc sử dụng điện để khai thác thủy sản. Đồng thời, phối hợp các Ban Quản lý chợ tuyên truyền, nâng cao ý thức cho các tiểu thương không buôn bán cá con tại các chợ. Thông qua hình thức phát tờ rơi, tờ bướm, áp-phích, pa-nô, tập huấn, báo chí, loa phát thanh, đài truyền hình… đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản và các văn bản liên quan về quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Qua đó, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Chi cục Thủy sản còn tăng cường phối hợp các ngành, địa phương tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác nguồn lợi thủy sản nhằm răn đe đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Những tháng đầu năm 2016, Chi cục Thủy sản đã chủ trì phối hợp Cảnh sát Môi trường, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 7 đợt kiểm tra trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu và kệnh rạch. Qua đó, đã kiểm tra 61 lượt phương tiện ngư dân, phát hiện 43 ngư dân vi phạm, gồm: 16 trường hợp sử dụng xuyệt điện, 22 trường hợp sử dụng cào điện, 5 trường hợp sử dụng lưới có kích thước nhỏ so với quy định. Đồng thời, ra quyết định xử phạt 1 hộ ngư dân sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, với số tiền phạt 4 triệu đồng. Tổng số tang vật tạm giữ gồm: 23 bình ắc-quy, 12 dynamo, 2 cục sạc, 25 xuyệt điện, 80m dây điện, 11m lưới, 4 vợt điện.
Để bảo vệ nguồn thủy sản, thiết nghĩ, các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, tăng cường xử phạt việc sử dụng kích điện bắt cá. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân cũng như phân tích tác hại, nguy hiểm của việc kích điện để những người đánh bắt cá bằng điện từ bỏ nghề, hoặc chuyển hình thức đánh bắt. Qua đó, nhằm hạn chế những cái chết thương tâm cũng như góp phần duy trì bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau.