Khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản cả trong nội đồng lẫn trên biển đang ngày một căng thẳng. Điều này không chỉ gây ra bất ổn trong hoạt động khai thác mà còn gây mất cân bằng sinh thái. Ngăn chặn tình trạng này đang đặt ra cấp bách.
Khai thác thủy sản đúng quy định để bảo vệ nguồn lợi cho tương lai
Tận diệt
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản các tỉnh, hệ thống sông ngòi, kênh mương thủy lợi nội đồng là môi trường nước ngọt lý tưởng cho nhiều loài thủy sản sinh sống như: tôm, cá, ốc, ếch, nhái… Thống kê sơ bộ có tới hàng trăm loài thủy sản khác nhau. Việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên hệ thống thủy lợi nội đồng là sinh kế của nhiều gia đình nông thôn lâu nay, với nhiều hình thức như: kéo lưới, kéo vó, đánh rọ, câu… Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và thói quen khai thác của người dân đã khiến các loại thủy sản suy giảm số lượng nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ biến mất khỏi hệ thống thủy lợi nội đồng.
Nhiều hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn đang được người dân sử dụng phổ biến, công khai như: dùng kích, dùng lưới vét mắt lưới siêu nhỏ…; mục đích đánh bắt được nhiều, nhưng cách làm này khiến cho tất cả các loài thủy sản trong khu vực khai thác hoặc bị đánh bắt, hoặc chết, hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển.
Không chỉ ở các sông, suối, ao hồ, mà hải sản ngoài biển cũng chung số phận. Để đánh bắt thủy hải sản, không ít ngư dân đã bất chấp quy định, sử dụng nhiều phương tiện với hình thức hủy diệt như thuốc nổ, xung điện hay giã cào.
Tại tỉnh Quảng Trị, tình trạng khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản đang có nhiều diễn biến phức tạp. Trong năm 2017, lực lượng chức năng ở Quảng Trị đã tổ chức kiểm tra hơn 600 lượt tàu thuyền ở trên biển, bắt giữ 30 trường hợp vi phạm về đánh bắt theo hình thức nghề giã cào, xung điện và thuốc nổ… xử phạt trên 100 triệu đồng. Một ngư dân cho biết, vào thời điểm tháng 3, tháng 4 hàng năm, hàng chục tàu cá công suất lớn tập trung về vùng biển Cửa Tùng, Cửa Việt để khai thác bằng nhiều hình thức tận diệt. Việc khai thác trái phép này diễn ra ngay tại vùng biển bãi ngang, chỉ cách bờ 3 – 4 hải lý.
Tỉnh Quảng Ninh có 250 km bờ biển với hệ thống sông ngòi cùng những vùng đất ngập tự nhiên rộng lớn; đây là địa bàn giàu nguồn lợi thủy hải sản với trên 500 loài cá và 450 động vật thân mềm. Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho biết, tính đa dạng của vùng biển Quảng Ninh ngày càng giảm sút, những loại thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao đã dần biến mất như hải sâm, tôm mũ ni đỏ, sá sùng…
Không thể chậm trễ
Trước thực trạng khai thác thủy sản bằng các ngư cụ tận diệt, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện sử dụng ngư cụ cấm. Biện pháp này nhằm bảo vệ sinh kế lâu dài cho người dân ven biển, ven sông. Tại Nghị quyết 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, nêu rõ mức phạt đối với các hành vi như: sử dụng phương tiện khai thác bị cấm; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản tự nhiên… Tuy nhiên trên thực tế, hiện trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để… Nhiều ý kiến cho rằng, đó là vì mức xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe, trong khi đó, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.
Song song đó, nhằm “bù” cho sự sụt giảm của nguồn lợi thủy sản, nhiều năm nay, ngành thủy sản và các địa phương đã tích cực thả giống tạo nguồn lợi, đặc biệt là vào những dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành. Do vậy, hàng năm có tới hàng chục triệu con giống các loại được đưa trở về các sông, suối hay ra biển. Hoạt động này được các doanh nghiệp và người dân tích cực hưởng ứng để vừa làm tăng nguồn lợi thủy sản vừa trực tiếp nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ nguồn lợi. Đồng thời, tại nhiều địa phương người dân đã trực tiếp được giao quyền “quản lý”. Điều này cũng được ghi cụ thể trong Luật Thủy sản 2017 (Điều 10 – Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản).
Theo bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thanh tra (Tổng cục Thủy sản), đây là nội dung mới so với Luật Thủy sản năm 2003, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước thực hiện chia sẻ, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động này. Đồng thời, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
>> Đầu tháng 4/2018, Công an huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã triệt phá thành công chuyên án mua bán, tàng trữ vật liệu nổ, bắt giữ 1 đối tượng và thu giữ 176 kg thuốc nổ. Đối tượng này khai nhận chuyên cung cấp thuốc nổ cho một số ngư dân ở các tỉnh miền Trung sử dụng đánh bắt thủy, hải sản trái phép. |