T2, 06/07/2020 11:49

Cấp thiết hiện đại hóa nghề khai thác

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong nhiều năm qua, ngành khai thác đóng góp lớn trong sự phát triển chung của thủy sản cả nước song năng suất, chất lượng, hiệu quả vẫn thấp gây lãng phí nguồn lợi. Việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác hải sản là một yêu cầu cấp thiết. Giải pháp để thực hiện việc này là các cơ chế chính sách để tạo động lực thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa nghề khai thác.


Vẫn còn nhiều hạn chế

Tuy nhiên, ngành khai thác nói chung vẫn bộc lộ một số bất cập: tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công, lạc hậu; tổ chức sản xuất trong khai thác thiếu chặt chẽ; hoạt động  thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, chưa được kiểm soát…

Ngư dân đi biển lao động nặng nhọc, chủ yếu làm thủ công do phần lớn tàu cá mức cơ giới hóa, tự động hóa thấp. Ngư dân đánh bắt theo kinh nghiệm may rủi, không đủ sức hoặc chưa chịu đầu tư ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong khai thác, nhất là mua thông tin qua vệ tinh. Trên ngư trường, nghề nào có ăn thì lập tức bỏ nghề cũ ồ ạt chuyển sang nghề mới dù điều kiện khai thác của tàu thuyền không đảm bảo, không kinh nghiệm.

Tổng sản lượng thủy sản khai thác hàng năm của nước ta khá cao so với các nước trong khu vực, nhưng không phải do trình độ khai thác tiên tiến mà do khai thác vào mùa các loài thủy sản sinh sản, xâm phạm vùng cấm đánh bắt, khai thác không sàng lọc, hủy diệt nguồn lợi thủy sản như sử dụng lưới mắc dày, chất nổ, chất độc… để đánh bắt. Chất lượng sản phẩm thấp do xử lý và bảo quản chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, thiếu đầu tư, bảo quản sản phẩm sau khai thác phổ biến là dùng đá xay, ướp muối theo phương pháp truyền thống, tổn thất sau thu hoạch lớn. Thông tin về giá cả thiếu minh bạch, không kịp thời, dẫn đến ngư dân bị ép giá. Đội ngũ thuyền trưởng, thuyền viên chưa được đào tạo phù hợp để đủ khả năng vận hành, sử dụng phương tiện lớn, hiện đại. Dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển nhiều bất cập, chưa đủ mạnh để phục vụ nhu cầu nghề khai thác hải sản xa bờ.

Ngư dân khai thác biển xa – Ảnh: Xuân Trường

 

Giải pháp phát triển

Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nghề cá. Đặc biệt, một số chính sách đã triển khai tạo sự đột phá cho ngành khai thác. Về cơ bản, những chính sách đã kịp thời giúp ngư dân khắc phục khó khăn để bám biển sản xuất, duy trì khai thác thuỷ, hải sản, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng khai thác, cải thiện đời sống ngư dân, góp phần vào an ninh quốc phòng trên các vùng biển.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thủy sản – Tổng cục Thủy sản khẳng định: Những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành khai thác hải sản của Chính phủ đã tạo được đoàn tàu cá đánh bắt xa bờ cả nước hiện nay hơn 24.000 chiếc với công suất 90 CV/tàu trở lên, góp phần chuyển dịch cơ cấu nghề nghiệp khai thác, giảm áp lực khai thác đối với vùng biển ven bờ, tạo thêm việc làm và cải thiện đời sống ngư dân. Ngư dân khắc phục khó khăn bám biển sản xuất, góp phần giữ vững quốc phòng – an ninh trên các vùng biển, đảm bảo ổn định nguồn thực phẩm, nguồn nguyên liệu cho chế biến phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều mô hình bảo quản sản phẩm tiên tiến đã được ngư dân áp dụng trên nhiều tỉnh thành đã nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Kiểm soát chặt chẽ các phương thức khai thác mang tính hủy diệt, đồng thời không phát triển và giảm dần các nghề khai thác thiếu lựa chọn, khai thác cả thủy sản còn non, phục hồi và phát triển các ngành nghề thay thế nghề khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên vùng biển ven bờ, tạo điều kiện ổn định đời sống cho ngư dân, giảm sức ép khai thác đối với nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ…

 

Điển hình trong khai thác cá ngừ

Được du nhập vào nước ta từ những năm 1994, nghề khai thác cá ngừ có tốc độ phát triển khá nhanh về số lượng tàu cá, sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho hoạt động khai thác xa bờ. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, số lượng tàu khai thác cá ngừ 3.554 chiếc, chủ yếu là tàu vỏ gỗ có công suất máy tàu chủ yếu từ 45 CV trở lên. Hầu hết đều trang bị thiết bị thu câu, thu lưới, vô tuyến điện, một số tàu lưới vây trang bị máy tầm ngư (dò cá). Sản lượng khai thác cá ngừ vây vàng và mắt to năm 2014 của 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đạt 15.942 tấn bằng 98 % so với năm 2012; Tổng số lao động khai thác cá ngừ khoảng 35.000 người. Số lao động trên  tàu khai thác cá ngừ được bố trí theo từng loại nghề; giao động khoảng 5 – 6 người/tàu đối với nghề câu tay kết hợp ánh sáng, khoảng 9 – 10 người/tàu đối với tàu câu vàng, tàu lưới rê, 14 – 16 người/tàu lưới vây.

Để phát triển ngành cá ngừ, Bộ NN&PTNT thí điểm tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị tại 3 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn). Đồng thời làm tham mưu cho Chính phủ hoặc ban hành các chính sách khác để thúc đẩy, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn) theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp; đồng thời khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi làm cơ sở để nhân rộng cho các nhóm đối tượng khác.

>> Ngày 30/7, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội nghị Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực miền Trung” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Khánh Hòa tổ chức. Mục đích nhằm giúp đại biểu có thêm thông tin, đồng thời cũng hiểu hơn về định hướng của ngành thủy sản trong những năm tới.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!