T2, 06/07/2020 01:43

Châu Âu: Cấm khai thác cá tuyết cod ở hầu hết các vùng biển Baltic

Chưa có đánh giá về bài viết

Ủy ban châu Âu (EC) vừa tuyên bố giải pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ nguồn lợi cá tuyết cod phía Đông vùng biển Baltic trước nguy cơ cạn kiệt. Các giải pháp sẽ gồm một lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức với mọi hoạt động khai thác cá tuyết thương mại ở hầu hết các vùng biển Baltic tới ngày 31/12/2019.

Nguồn lợi cá tuyết cạn kiệt sẽ trở thành thảm họa với nhiều ngư dân

Các đánh giá khoa học gần đây một lần nữa dấy lên nhiều mối lo ngại liên quan đến trữ lượng cá tuyết ở vùng biển phía đông Baltic: Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm nhanh đến chóng mặt của loài cá tuyết, và nguồn lợi này sẽ cạn kiệt hoàn toàn nếu không có hành động ngay từ bây giờ. Các tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế bởi vậy đã kêu gọi chấm dứt khai thác cá để phục hồi nguồn lợi. EC đã phân tích những bằng chứng khoa học sẵn có và bàn bạc giải pháp khắc phục với các quốc gia thành viên tại một cuộc họp chuyên gia gần đây.

Cao ủy môi trường, hàng hải và thủy sản của châu Âu, Karmenu Vella cho biết: Nếu nguồn lợi cá tuyết cạn kiệt sẽ trở thành thảm họa với nhiều ngư dân và cộng đồng ven biển quanh khu vùng Baltic bởi khai thác cá tuyết là kế sinh nhai từ lâu đời của họ. Chúng ta phải hành động khẩn cấp để phục hồi nguồn lợi theo cách thức hài hòa lợi ích con người và hệ sinh thái. Điều này có nghĩa cần phải phản ứng nhanh trước các mối đe dọa trước mắt, thông qua một giải pháp cụ thể mà EC đang đề ra. Nhưng điều này cũng có nghĩa phải quản lý nguồn lợi, môi trường sống theo cách thức đúng đắn và hiệu quả lâu dài.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 31/12/2019, áp dụng với tất cả các loại tàu khai thác và được thực hiện ở toàn bộ các vùng biển Baltic nơi có trữ lượng cá tuyết lớn nhất. Giải pháp này đã được thực hiện tại nhiều quốc gia thành viên EU. Mặc dù không đảm bảo một hướng tiếp cận đồng bộ tất cả các vùng biển có cá tuyết cod thuộc Baltic, và không phải mọi quốc gia thành viên EU đều muốn áp dụng như một giải pháp quốc gia, song EC đã quyết định thực hiện thêm hành động khẩn cấp hơn.

Lệnh cấm khai thác là một bước đi cần thiết ngay trước mắt nhằm giúp bảo vệ trữ lượng cá tuyết đang bị tổn thương, nhưng EC và các nước thành viên sẽ tiếp tục bàn bạc kỹ lưỡng để tìm ra một giải pháp dài hạn vào cuối năm nay. Khi đó, các bộ trưởng sẽ họp và quyết định kế hoạch khai thác cá tuyết cho năm 2020. Các nhà khoa học cũng cảnh báo nhiều nhân tố bên cạnh khai thác quá  mức có thể đe dọa và làm cạn kiệt trữ lượng cá tuyết cod và cần phải được xử lý riêng biệt, gồm độ mặn thấp, nhiệt độ biển tăng cao, ít ôxy cũng như dịch bệnh.

Cá tuyết cod vùng phía Đông Baltic là một trong những sản phẩm thủy sản có giá trị thương mại cao nhất, và là nguồn sống của nhiều ngư dân địa phương. Hơn 7.000 tàu cá từ 8 nước thành viên EU vẫn khai thác cá tại đây, trong đó có 182 tàu của Lithuania và Ba Lan, chiếm sản lượng khai thác hơn 50%.

Theo Chính sách khai thác thủy sản chung, EC có thể yêu cầu một quốc gia thành viên thực hiện giải pháp khẩn cấp để ngăn chặn hoặc làm giảm các đe dọa nghiêm trọng tới nguồn lợi biển. Những giải pháp này được áp dụng tối đa trong thời gian 6 tháng. Trước đây, EC đã áp dụng nhiều giải pháp khẩn cấp tương tự để bảo tồn nguồn lợi cá cơm vịnh Biscay hoặc cá tráp phía Bắc.

Tuấn Minh

Seafoodnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!